Giá dầu quay đầu đi lên trong phiên giao dịch ngày 13/1 nhờ kỳ vọng Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Cụ thể, giá dầu thô tăng 1 xu Mỹ lên mức 64,99 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI cộng 5 xu Mỹ đạt mức 59,09 USD / thùng so với phiên trước.
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 13/1.
Giá dầu vừa chứng kiến tuần sụt hơn 6%, chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2019 giữa lúc những lo ngại về cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran đã lắng xuống. Giá dầu Brent trong tuần có thời điểm chạm mức 71,75 USD, song giảm mạnh và chốt phiên 10/1 ở mức dưới 65 USD/thùng, mặc dù tình hình tại Trung Đông vẫn còn căng thẳng.
Giá dầu đã “hạ nhiệt” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo các cuộc tấn công của Iran tại các căn cứ quân sự của nước này ở Iraq hôm 8/1 không gây thương vong. Giá dầu chạm mức đỉnh 4 tháng sau vụ không kích sân bay Baghdad của Iraq hôm 3/1 khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani thiệt mạng và Iran đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq.
Trong phiên giao dịch này, giá dầu quay đầu đi lên nhờ kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sắp ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào ngày 15/1 có thể giúp thúc đẩy nhu cầu “vàng đen”.
Ngày 9/1, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ tới Washington từ 13-15/1 để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ.
Edward Alden, chuyên gia về chính sách thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), nhận định mặc dù các vấn đề xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn tồn tại, về mặt chính trị, thỏa thuận này có tác dụng khá tốt đối với Tổng thống Trump khi ông tái tranh cử trong năm nay.
Nhà Trắng có thể tự hào là đã "cứng rắn với Trung Quốc" và rằng "về mặt kỹ thuật, ông Trump đã đạt được một thỏa thuận," điều mà ông đã hứa với cử tri hồi năm 2016.
Các nhà giao dịch trên thị trường năng lượng hiện giảm bớt lo ngại về căng thẳng địa chính trị, chuyển hướng quan tâm đến việc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, lĩnh vực công nghiệp và các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Theo nhà phân tích hàng hóa Kim Kwang-rae tại Samsung Futures, khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng chính trị tại khu vực Trung Đông sẽ không tác động nhiều đến thị trường năng lượng. “Việc ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tạo lực đẩy quan trọng cho đà đi lên của của giá dầu khi nhu cầu năng lượng dự báo sẽ tăng cao”- chuyên gia Kim Kwang-rae nhận xét.
Nhà phân tích dầu mỏ Virendra Chauhan tại Energy Aspects ở Singapore cho biết, các nguyên tắc cơ bản giúp thúc đẩy giá dầu ngọt nhẹ WTI vẫn còn yếu trong những tháng tới.
Theo chuyên gia Chauhan, yếu tố quan trọng nhất để hỗ trợ giá dầu Brent trong dài hạn vẫn là sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn