Giá dầu đã tăng lên 65 USD/thùng sau khi OPEC+ quyết định không nới lỏng nguồn cung ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đang dần thoát ra khỏi đợt suy thoái do đại dịch gây ra.
Quyết định này của OPEC+ đã thúc đẩy làn sóng nâng dự báo cho giá dầu thô của các ngân hàng đầu tư lớn. Giá dầu WTI tăng cao hơn ở châu Á và đóng cửa ngày 4/3 lên mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 4/2019.
Theo đó, OPEC+ đã đồng ý giữ sản lượng ổn định trong tháng 4, trong khi Ả Rập Xê Út cho biết sẽ tự nguyện duy trì cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày.
Giá dầu thô đã tăng vọt trong năm nay và tiếp tục tăng cao hơn khi OPEC+ hạn chế nguồn cung và sự phục hồi do vắc xin hỗ trợ tiêu thụ khiến hàng tồn kho cạn kiệt.
Tuy nhiên, đà tăng này của giá dầu có thể thúc đẩy hoạt động khoan của các nhà khai thác đá phiến của Mỹ và gây ra áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ được tổ chức vào ngày 1/4 để thảo luận về mức sản xuất cho tháng 5.
Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights tại Singapore cho biết: “Mức tăng đột biến của dầu thô là một phản ứng mạnh trước một quyết định gây sốc của OPEC+. Sự lạc quan của Ả Rập Xê Út đối với dầu đá phiến của Mỹ khi đang bị ảnh hưởng tiêu cực có vẻ hợp lý trong thời điểm hiện tại”.
Mức tăng nhanh chóng của dầu có thể làm gia tăng cuộc tranh luận toàn cầu về khả năng lạm phát hồi sinh và làm phức tạp thêm nhiệm vụ mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải đối mặt khi tìm cách duy trì sự phục hồi của kinh tế Mỹ.
Các ngân hàng đầu tư nâng dự báo cho giá dầu
Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 5 USD/thùng và dự báo giá dầu WTI ở mức 80 USD trong quý III. JPMorgan tăng dự báo giá dầu Brent thêm 2 USD lên 3 USD/thùng và Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand tăng mục tiêu ba tháng lên 70 USD. Citigroup cho biết giá dầu thô có thể lên tới 70 USD trước cuối tháng này.
Tuy nhiên, Citi cho biết giá dầu tăng lên mức này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trong OPEC+ vì một số thành viên sẽ muốn bơm thêm số thùng dầu để giảm bớt áp lực của các nền kinh tế. Các nhà nhập khẩu hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ không vui và OPEC+ có thể sẽ thay đổi hướng đi trong cuộc họp tiếp theo.
Nhiều bằng chứng về sự phục hồi nhu cầu dầu tiếp tục xuất hiện, đặc biệt là ở châu Á. Tiêu thụ xăng và dầu diesel ở Trung Quốc đã tăng vượt ngưỡng trước đại dịch trong năm nay sau khi hoạt động nhà máy và xây dựng cơ sở hạ tầng trở lại nhanh hơn dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Ngoài ảnh hưởng từ cú sốc OPEC+, các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét các bài bình luận vào thứ Sáu (5/3) từ Đại hội Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc, cuộc họp chính trị lớn nhất trong năm của nước này để đánh giá về nhu cầu dầu thô sắp tới.
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán