Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng khoảng 30%, phục hồi mạnh mẽ sau đợt sụt giảm lịch sử vào năm ngoái...
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (3/5), khi số liệu kinh tế Trung Quốc và tốc độ tiêm chủng ở Mỹ chỉ báo về một sự hồi phục mạnh mẽ trong nhu cầu tiêu thụ năng lượng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo tin từ CNBC, giới đầu tư vẫn đang lo ngại về làn sóng Covid-19 kỷ lục ở Ấn Độ, nước nhập khẩu xăng dầu lớn thứ ba thế giới, cùng sự gia tăng nguồn cung dầu từ liên minh OPEC+.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,8 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 67,56 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,91 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 64,49 USD/thùng.
Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới, được nhận định sẽ giữ vai trò đầu tàu cho sự phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu sau đại dịch.
“Cho dù số ca nhiễm Covid-19 mới lập kỷ lục, giá dầu vẫn tăng cao hơn nhờ tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid tại các nền kinh tế phát triển”, một báo cáo từ BofA Global Research có đoạn viết. “Các số liệu gần đây đều cho thấy hiệu quả cao của vaccine trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và tử vong do Covid”.
Theo dữ liệu của Reuters, hiện đã có khoảng 1/3 dân số Mỹ được tiêm phòng đầy đủ ngừa Covid. Theo BofA Global Research, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tính bình quân theo ngày trong tháng 2-3 đạt mức kỷ lục của mùa, nhờ doanh số bán ô tô tăng, hoạt động đi lại trong nước phục hồi, và hoạt động gia tăng của các nhà máy.
Tuy nhiên, đại dịch ở Ấn Độ vẫn đang là đám mây đen phủ bóng tâm trí của giới đầu tư dầu lửa toàn cầu. Đã 12 ngày liên tiếp đất nước Nam Á này báo cáo hơn 300.000 ca nhiễm mới Covid. Làn sóng đại dịch đã khiến doanh số bán xăng dầu ở Ấn Độ sụt giảm trong tháng 4.
“Nỗi lo về Ấn Độ đã khiến giá dầu không thể tăng cao hơn”, nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy nhận định.
Trong tháng 4 vừa qua, giá dầu Brent tăng khoảng 8% và giá dầu WTI tăng khoảng 10%.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng khoảng 30%, phục hồi mạnh mẽ sau đợt sụt giảm lịch sử vào năm ngoái. Sự phục hồi này có được là nhờ kinh tế toàn cầu khởi sắc, cũng như nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước đồng minh.
Tuy nhiên, OPEC+ mới đây đã đi đến quyết định nâng dần sản lượng từ tháng 5 đến tháng 7.
Ngoài ra, nguồn cung dầu từ OPEC+ còn có thể tăng thêm nếu Iran, một thành viên của liên minh, nối lại thoả thuận hạt nhân với các cường quốc. Cuộc đàm phán về thoả thuận này đang diễn ra, và vào cuối tuần vừa rồi, phía Iran bày tỏ hy vọng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa, ngân hàng và nhiều quan chức của nước này sẽ được dỡ bỏ.
Nguồn tin: vnEconomy