Giá dầu Brent tăng 6% trong tháng 11, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2019, và dầu WTI cũng leo dốc 2,3%, cao nhất kể từ tháng 6.
Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc trong tháng 11 nhờ các nhà giao dịch kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 5-6/12 tới.
Cả hai loại dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đều tăng trong tháng qua cũng nhờ sự lạc quan về việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” vào cuối năm nay. Nếu thành hiện thực, thỏa thuận này có thể làm nhẹ bớt những nghi ngờ về nhu cầu dầu thô trong tương lai, cùng với đó là cải thiện “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu.
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 29/11, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chuyển hướng leo thang trong khi sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục mới là 12,46 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2019.
Giá dầu Brent có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2019.
Giá dầu giảm mạnh nhất hơn 2 tháng trong phiên này khi có những tín hiệu cho thấy OPEC và đồng minh có thể sẽ không đi đến một quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới.
Trong phiên ngày 29/11, khối lượng giao dịch dầu giảm xuống mức thấp do nhiều nhà giao dịch tiếp tục nghỉ sau khi thị trường đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn trong phiên trước đó.
Bất chấp cú giảm của phiên này này, giá dầu có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 6 nhờ hy vọng của thị trường trong tháng 11 rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể sớm được ký kết.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,44 USD xuống 62,43 USD/thùng. Kể từ đầu tuần tới nay, giá loại dầu này đã giảm 1,5%. Nhưng khi tính chung cả tháng, dầu Brent đã ghi nhận mức tăng giá hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2019 là khoảng 6%.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng sụt 2,94 USD, xuống 55,17 USD/thùng, ghi nhận mức giảm hơn 4 % trong cả tuần, sau khi đã có chuỗi ba tuần tăng giá liên tiếp. Còn tính trên cơ sở cả tháng, giá dầu WTI đã tăng khoảng 2,3%, cao nhất kể từ tháng 6/2019.
Nguồn thạo tin tiết lộ rằng trong cuộc họp tới, Ả Rập Saudi - thủ lĩnh không chính thức của OPEC - sẽ phát tín hiệu rằng nước này không còn muốn cắt giảm sản lượng sâu hơn để bù đắp cho việc các thành viên khác không tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạn chế sản lượng giữa OPEC và đối tác gồm Nga, còn gọi là nhóm OPEC+.
Nguồn tin nói rằng Ả Rập Saudi không hài lòng với việc một số nước như Iraq và Nga thời gian khai thác vượt hạn ngạch, trong khi Riyadh phải giảm sản lượng nhiều hơn mức quy định để đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ.
Cùng với đó, hãng thông tấn Tass của Nga đưa tin Bộ trưởng Năng lượng nước này nói rằng tốt hơn hết nên hoãn việc giảm thêm sản lượng đến tháng 4.
"Thỏa thuận hạn chế sản lượng giữa OPEC và Nga có thể gặp rắc rối một chút", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận định. "Điều này khiến thị trường lo ngại về cam kết của hai bên".
Vào ngày 5-6/12, OPEC và OPEC+ sẽ tiến hành cuộc họp định kỳ về vấn đề sản lượng tại Vienna, Áo. Một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg cho thấy giới phân tích kỳ vọng OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày mà nhóm thực thi từ đầu năm, thay vì giảm sản lượng sâu hơn.
Số liệu do Chính phủ Mỹ công bố tuần này cho thấy Mỹ đã lần đầu tiên trong một tháng trở thành nước xuất khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm lọc hóa trong vòng ít nhất 7 thập kỷ. Trước đó, dấu mốc này mới chỉ được xác lập trên cơ sở tuần. Điều này cho thấy vai trò ngày càng lớn của Mỹ trên thị trường dầu lửa toàn cầu, đồng nghĩa với sự suy giảm vai trò của OPEC./.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn