Đóng cửa phiên ngày 15/5, giá dầu lên đỉnh sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố hậu thuẫn việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung thêm 9 tháng.
Thỏa thuận này sẽ giới hạn nguồn cung dầu ở mức hiện tại đến hết quý I/2018 nếu các nước thành viên khác của OPEC đạt đồng thuận trong phiên họp ngày 25/5 tới.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 6 tăng 1,01 USD, tương đương 2,1%, lên 48,85 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 28/4.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Bảy tăng 98 cent, tương đương 1,9% lên mức 51,82 USD/thùng.
Saudi Arabia và Nga tuyên bố hậu thuẫn cho việc gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm
Theo Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Forex.com, có vẻ như hai nước có ảnh hưởng đến thị trường dầu là Saudi Arabia và Nga thực sự cam kết muốn giảm dư cung. Nga là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, trong khi Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu lớn nhất.
Tại một cuộc họp báo chung ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid Al-Falih cho biết thỏa thuận cắt giảm nguồn cung cần được gia hạn, có thể là đến cuối quý I năm sau, do tồn kho trên thị trường vẫn chưa về mức như mong muốn.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, qua tham vấn, các bên đều cam kết và “không có lý do gì khiến nước nào đó rút lui khỏi thỏa thuận”.
“Với sự hậu thuẫn của Nga, các nước sẽ đạt được một thỏa thuận”, ông Razaqzada nhận định. “Thị trường rất mong đợi điều này, thể hiện qua việc giá dầu bật tăng mạnh”.
Chuyên gia này cho rằng giá dầu sẽ đi lên trong vòng 10 ngày tới và sẽ tăng mạnh nếu các nước gia hạn thỏa thuận vào ngày 25/5.
Trong khi đó, theo chuyên gia phân tích thị trường Jeffrey Halley thuộc OANDA, các nước trong và ngoài OPEC không có lựa chọn nào ngoài việc gia hạn thời gian thực hiện cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng khai thác dầu tại Mỹ ngày một tăng và sự trở lại của hai thành viên OPEC là Libya và Nigeria.
Theo báo cáo tháng 5 của OPEC vừa công bố, trong tháng 4 vừa qua, Saudi Arabia đã giảm sản lượng khai thác 612.000 thùng, xuống còn 9,954 triệu thùng (hoàn thành 131% hạn ngạch là 468.000 thùng).
Iraq - nhà sản xuất lớn thứ hai sau Saudi Arabia, đã giảm sản lượng 198.000 thùng, xuống còn 4.373.000 thùng (hoàn thành 94% hạn ngạch 210.000 thùng).
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giảm sản lượng khai thác 226.000 thùng, xuống còn 2,842 triệu thùng (bằng 162% hạn ngạch 139.000 thùng).
Báo cáo lần này của OPEC cũng nâng mức dự báo sản lượng khai thác dầu của Nga - quốc gia nằm ngoài OPEC, trong năm 2017 tăng 2.000 thùng/ngày, đạt sản lượng khai thác 11,16 triệu thùng/ngày.
Trước đó, tổ chức này dự báo sản lượng khai thác dầu ở Nga trong năm 2017 trung bình ở mức 11,14 triệu thùng/ngày. Trong tháng Tư vừa qua, bình quân sản lượng khai thác dầu của Nga là 11,18 triệu thùng/ngày, giảm 100.000 thùng so với quý Một.
Nga và OPEC đã cam kết cắt giảm sản lượng khai thác đầu từ ngày 1/1/2017 nhằm giảm lượng dầu dự trữ dư thừa trên toàn cầu, góp phần đưa giá dầu lên mức khoảng 50 USD/thùng so với mức thấp kỷ lục dưới 30 USD hồi năm ngoái. Theo thoả thuận này, Nga cam kết cắt giảm 300.000 thùng dầu/ngày.
Nguồn tin: Baodatviet.vn