Một ngày trước cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), giá dầu trở lại tăng khá mạnh, trên 50 USD một thùng, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ngày càng nghiêm trọng.
Đêm qua (giờ Việt Nam), trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu giao tháng 1/2009 tăng 3,77 USD (8,2%) lên 50,05 USD một thùng. Cùng thời điểm tại London, giá dầu cũng "ngoi" lên xấp xỉ ngưỡng 50 USD. Đây là lần đầu kể từ 2/12, giá dầu vượt qua 50 USD.
Giá dầu lần đầu tiên vượt qua mốc 50 USD kể từ 2/12.
Theo các chuyên gia, nhân tố then chốt thúc đẩy giá dầu tăng trở lại là tuyên bố của Tổng thư ký OPEC, ông Abdalla El-Badri, cho biết, tổ chức này cần phải cắt giảm mạnh sản lượng trong cuộc họp ngày mai (17/12) tại Oran, Algeria.
Giá dầu cũng tăng mạnh trước đó nhờ những dự báo của các chuyên gia cho rằng OPEC đang dự tính một phương án quyết liệt để phục hồi giá dầu. Theo một cuộc khảo sát mới được hãng tin tài chính Bloomberg thực hiện, 18 trong số 33 nhà phân tích nhận định, tổ chức đang cung cấp 42% dầu cho thế giới OPEC, có thể sẽ giảm lượng cung dầu ít nhất 2 triệu thùng mỗi ngày, tức giảm 7,3% so với mức hiện tại.
Ông El - Badri khẳng định: “Dự trữ dầu hiện rất cao, vượt 100 triệu thùng. OPEC cần phải có hành động trong cuộc họp tới”. Cũng theo ông Chakib Khelil, tất cả các thành viên của OPEC ủng hộ việc cắt giảm lần này.
Phản ứng tức thì với phát biểu của ông Abdalla El - Badri và dự báo của các chuyên gia, thị trường dầu nóng lại sau khi giá mặt hàng này tăng 13% trong tuần trước, mức tăng theo tuần mạnh nhất trong vòng bốn năm qua.
Theo Robert Laughlin, một chuyên viên môi giới cao cấp của MF Global: “Giá dầu đang tăng do các nhà đầu tư đánh cược OPEC sẽ cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác dầu”.
Trong một động thái khác, OPEC đang kêu gọi Nga cắt giảm sản lượng 200.000 - 300.000 thùng dầu mỗi ngày để hỗ trợ giá dầu, Giám đốc điều hành OAO Lukoil, Vagit Alekperov cho biết tại Moscow ngày 15/12. Ông Khelil, hiện cũng là Bộ trưởng dầu mỏ Algeria, tin Nga sẽ có hành động ủng hộ quyết định cắt giảm của OPEC.
Tuy nhiên, giới quan sát thị trường cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dầu đang giảm rất mạnh tại 3 đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật. Điều này là lực cản rất lớn cho sự hồi phục giá dầu. Sự khủng hoảng của ngành công nghiệp ô tô Mỹ cũng là yếu tố quan trọng tác động tới quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC.
Giới phân tích cho biết, giá dầu sẽ giảm mạnh nếu OPEC không cắt giảm sản lượng tối thiểu 1,5 triệu thùng một ngày trong cuộc họp ngày 17/12 tới.
Ở trường hợp ngược lại, giá dầu sẽ có xu hướng tăng nhẹ. Số lượng các hợp đồng mua bán trong tuần trước cho thấy số người đánh cược giá dầu tăng cao hơn khá nhiều so với những ý kiến cho rằng dầu còn giảm giá tiếp
(Báo Đất Việt)