Giá dầu tăng mạnh trong phiên 1/7 sau thông tin cho biết các kho dự trữ dầu thô ở Mỹ đã giảm mạnh hơn dự kiến, chứng tỏ nhu cầu đang được cải thiện.
Cụ thể, giá dầu Brent leo dốc 1,19 USD, tương đương 2,9%, lên 42,46 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 1,15 USD, tương đương 2,9%, lên mức 40,42 USD/thùng.
Lực đẩy quan trọng cho đà đi lên của giá “vàng đen” trong phiên này là báo cáo do Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố hôm 30/6 cho thấy dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ đã giảm mạnh hơn dự kiến vào tuần trước.
Cụ thể, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 8,2 triệu thùng xuống còn 537 triệu thùng, vượt xa dự báo của các nhà phân tích là giảm 710.000 thùng.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên 1/7.
Nhà phân tích Louise Dickson của trung tâm Rystad Energy cho biết các nhà giao dịch đang chờ đợi xem liệu báo cáo công bố vào ngày 1/7 (giờ địa phương) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) xác nhận số liệu từ API. Nếu điều này xảy ra, giá dầu thô sẽ tăng cao hơn bất chấp lo ngại ngày càng gia tăng về đà lan rộng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, chỉ số PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc nhích từ 50,6 trong tháng 5 lên 50,9 trong tháng 6, trong khi chỉ số PMI dịch vụ tăng từ 53,6 lên 54,4, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất đang tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng dịch Covid-19.
Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu trong phiên này là sản lượng dầu mỏ trong tháng 6 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ.
Khảo sát mới đây của hãng tin Reuters cho thấy 13 nước thành viên OPEC đã sản xuất trung bình 22,62 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020 sau khi họ nhất trí cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga đồng ý cắt giảm kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày.
Con số trên thấp hơn khoảng 1,92 triệu thùng/ngày so với số liệu đã điều chỉnh của tháng 5.
Theo Công ty tư vấn ING Economics, sản lượng giảm đồng nghĩa là OPEC đã tuân thủ quá mức thỏa thuận vào tháng 6, với mức độ tuân thủ đạt 107%.
Tuy nhiên, ING Economics lưu ý rằng việc tuân thủ quá mức diễn ra sau khi Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait tiến hành cắt giảm sản lượng bổ sung.
Trong quý II, giá dầu WTI leo dốc gần 92%, song tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng dầu này vẫn sụt gần 36%. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm gần 38% tính chung từ đầu năm đến nay, mặc dù nhảy vọt gần 81% trong quý II.
Nhu cầu nhiên liệu đã hồi phục từ sau giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19, song số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trở lại tại nhiều bang thuộc khu vực phía Nam và Tây Nam nước Mỹ.
Giới phân tích cho rằng đợt tăng đột biến số ca nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ đã khiến một số nhà đầu tư gia tăng lo ngại, song hầu hết đều đặt cược rằng điều này sẽ không tác động đến triển vọng phục hồi nhu cầu đối với dầu mỏ khi nhiều nước đang khởi động trở lại hoạt động kinh tế.
“Mặc dù vẫn còn trở ngại từ sự lây lan rộng khắp của dịch Covid-19, các nước OPEC và các đồng minh hiện đang kiểm soát tốt thị trường nhiên liệu” - nhà phân tích Eugen Weinberg của ngân hàng Commerzbank nhận xét.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn