Giá dầu trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh lên mức gần 70 USD/thùng, tuy nhiên kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí vẫn khá thận trọng.
2017 là năm tích cực đối với các doanh nghiệp ngành dầu khí, khi giá dầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh ghi nhận kết quả khả quan. Tuy nhiên, đối với kế hoạch năm 2018, các doanh nghiệp ngành này vẫn tỏ ra thận trọng, bởi dự phóng giá dầu chưa thể nhanh chóng trở về mốc cũ.
Nhóm doanh nghiệp vận tải dầu khí ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu so với các doanh nghiệp khác trong ngành
Kết thúc năm 2017, Tổng công ty cổ phần (CTCP) Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đạt doanh thu hợp nhất 14.800 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.000 tỷ đồng, vượt 43% kế hoạch năm. Theo lãnh đạo PVS, giá dầu diễn biến theo chiều hướng thuận lợi đã giúp Tổng công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Bước sang năm 2018, PVS tiếp tục lấy giá dầu làm căn cứ trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh. Hiện Tổng công ty vẫn phải chờ phê duyệt kế hoạch, nhưng theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, các con số mục tiêu sẽ tương đương mức đạt được năm 2017.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, kể cả giai đoạn giá dầu xuống mức thấp kỷ lục, PVS vẫn vượt kế hoạch đặt ra, do đó các con số này chỉ là một chỉ tiêu làm căn cứ, không phản ánh được tình hình thực tế của doanh nghiệp và sự thận trọng khi lên kế hoạch sẽ phần nào làm giảm áp lực cho ban lãnh đạo công ty. Chính vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, cổ đông nên tập trung vào kết quả thực hiện của doanh nghiệp, đồng thời việc tính toán mức tăng trưởng cũng phải dựa vào con số thực tế.
Một trường hợp lội ngược dòng trong năm 2017 là Tổng CTCP Khoan và kỹ thuật khoan dầu khí (PVD), khi từng khiến cổ đông “thót tim” với xu hướng nghiêng về thua lỗ. Theo lãnh đạo PVD, kết quả cuối cùng với doanh thu năm 2017 ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng 63% so với kế hoạch và lợi nhuận là một con số dương là tin tức đáng mừng, bởi trước đó Công ty đã xác định lỗ trong năm 2017.
Tương tự PVS, PVD sẽ đặt kế hoạch năm 2018 thận trọng và cũng dựa trên các kịch bản về giá dầu. Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Công ty cho biết, năm nay, PVD sẽ tích cực tham gia đấu thầu tại các thị trường trong nước và nước ngoài để tìm kiếm hợp đồng nhằm đảm bảo công việc cho các giàn khoan. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm cơ hội liên doanh, hợp tác với các đối tác tin cậy để đầu tư, phát triển đội ngũ giàn khoan hiện đại, đón đầu xu hướng hồi phục và phát triển của ngành dầu khí trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp vận tải dầu khí ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu nên có phần “tự tin” hơn trong việc đặt kế hoạch. Năm 2017, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) ước đạt doanh thu hợp nhất 6.287 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 622 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ước đạt 501 tỷ đồng, tương đương 153% kế hoạch.
Dù chưa đưa ra con số kế hoạch cụ thể, nhưng theo lãnh đạo PVT, Công ty sẽ cố gắng giữ được mức lợi nhuận năm nay tối thiểu bằng năm 2017. Theo PVT, một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến năm 2020 của Công ty là thực hiện tái cơ cấu các đơn vị thành viên. Cụ thể, PVT sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại một số công ty con như CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVP), CTCP Vận tải sản phẩm khí quốc tế (GSP)..., nhưng vẫn nắm giữ cổ phần chi phối (51%).
Ngược lại, PVT sẽ tăng sở hữu tại CTCP Vận tải dầu khí Đông Dương lên 58,67%, trong trường hợp đàm phán được với PV Oil, bởi đây là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có nhiều điểm tương đồng với Tổng công ty.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Duyên Hiếu, Tổng giám đốc CTCP Vận tải sản phẩm khí Quốc tế (GSP) cho biết, kết thúc năm 2017, GSP ước đạt lợi nhuận sau thuế trên 50 tỷ đồng. HĐQT Công ty đã thống nhất đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 tương đương mức thực hiện của năm 2017. Cụ thể, ước tính tổng doanh thu có thể đạt 1.261 tỷ đồng, trong đó dự kiến dịch vụ vận tải là 731 tỷ đồng, dịch vụ thương mại 516 tỷ đồng.
Ông Hiếu cho hay, để tăng cường nguồn thu cho năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục khai thác đội tàu và phối hợp với công ty con - CTCP Vận tải Nhật Việt để thực hiện phân phối, vận chuyển LPG nhằm giữ vững thị phần nội địa, đồng thời phát triển thêm thị trường quốc tế. GSP sẽ mở rộng kinh doanh các loại hình dịch vụ khác trong năm 2018. Liên quan đến công tác tái cấu trúc, Công ty sẽ xây dựng phương án để PVT giảm sở hữu từ 67,74% xuống còn tối thiểu 51% vốn.
Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoan