Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu tăng có thể đe dọa hy vọng ‘hạ cánh mềm’ của Fed

Giá dầu cao hơn có thể gây ra lo ngại lạm phát một lần nữa, phá hỏng một phần nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong năm qua nhằm chế ngự giá tiêu dùng tăng vọt.

Bức tranh cung-cầu về thị trường dầu mỏ có vẻ lạc quan hơn nhiều so với chỉ một tháng trước, do nhu cầu vẫn ổn định bất chấp lo ngại về các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, trong khi nguồn cung đang giảm do cắt giảm sản lượng từ OPEC+ và Ả Rập Saudi.

Nhưng giá dầu cao hơn, dẫn đến giá xăng và năng lượng tổng thể cao hơn, có thể lại bắt đầu dẫn đến lạm phát cốt lõi (core inflation) tăng một lần nữa, ngay cả khi chỉ số này không bao gồm giá lương thực và năng lượng. Nếu giá năng lượng cao hơn lại tác động đến lạm phát cốt lõi, thì hy vọng 'hạ cánh mềm' có thể bắt đầu mờ dần và khiến Fed và các ngân hàng trung ương khác tiếp tục nâng lãi suất, không giống như hầu hết các kỳ vọng hiện tại rằng chu kỳ tăng lãi suất sẽ gần kết thúc.

Và giá dầu cao hơn trong những tuần gần đây, với dầu Brent trên 87 USD/thùng vào đầu ngày thứ Năm, có thể là phương thuốc tốt nhất để giảm giá dầu cao.

Trong một môi trường kinh tế xấu đi, tăng trưởng nhu cầu dầu cũng như niềm tin và mức tiêu thụ của người tiêu dùng sẽ thấp hơn, kéo giá dầu xuống.

 

Các yếu tố cung-cầu hiện có vẻ mạnh mẽ.

Những người tham gia thị trường dầu dường như đã gạt bỏ tâm lý bi quan, hoặc như các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết trong một ghi chú vào cuối tháng 7, “Thị trường đã gạt bỏ sự bi quan về tăng trưởng”.

“Các nhà kinh tế của chúng tôi lưu ý rằng những bất ngờ tích cực về tăng trưởng và lạm phát đang thúc đẩy những hy vọng ‘hạ cánh mềm’, và chúng tôi tiếp tục coi hàng hóa là loại tài sản không được ưa chuộng,” các nhà phân tích của JPMorgan viết trong một báo cáo gần đây của Bloomberg.

Theo các nhà phân tích trong đó có Goldman Sachs và các giám đốc điều hành dầu mỏ, bao gồm Giám đốc điều hành của ExxonMobil, Darren Woods, nhu cầu không chỉ phục hồi mà còn hướng tới mức cao kỷ lục trong những tháng tới.

Thế giới sẽ chứng kiến nhu cầu dầu cao kỷ lục trong năm nay, giám đốc điều hành hàng đầu của Exxon nói với CNBC vào cuối tháng trước.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết trong một ghi chú gần đây rằng nhu cầu dầu toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Ngân hàng Phố Wall dự kiến nhu cầu mạnh mẽ sẽ dẫn đến thiếu hụt trên thị trường lớn hơn dự kiến, lên tới 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023 và thiếu hụt 600.000 thùng/ngày vào năm 2024.

Nhu cầu có vẻ mạnh hơn so với nhiều người kỳ vọng vào đầu quý hai.

Jeffrey Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs, cho biết nhu cầu dầu mỏ bên ngoài Trung Quốc đang tăng “tốt hơn nhiều” so với hầu hết mọi người lo ngại, trong khi việc cắt giảm mạnh tay của OPEC+ đang dẫn đến thiếu hụt trên thị trường.

Về phía cung, các ngân hàng và nhà phân tích dự đoán mức thiếu hụt lớn trong quý này do nguồn cung đang giảm bởi cắt giảm sản xuất và xuất khẩu của OPEC+, trong khi nhu cầu vẫn mạnh bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế và hiệu quả kinh tế kém ấn tượng của Trung Quốc.

Ả Rập Saudi vừa gia hạn cắt giảm đơn phương 1 triệu thùng mỗi ngày sang tháng 9 và Nga đã cam kết cắt giảm xuất khẩu thêm 300.000 thùng/ngày vào tháng 9 sau khi giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Các nhà đầu cơ trên thị trường đã vội đóng vị thế bán khống đối với các hợp đồng dầu tương lai sau khi Saudis kéo dài thời hạn cắt giảm từ một tháng thành cắt giảm ba tháng và phát tín hiệu việc cắt giảm sản lượng có thể được kéo dài hơn nữa hoặc thậm chí là sâu hơn và kéo dài hơn.

Ole Hansen, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, đã viết trong một bài phân tích vào thứ Tư: “Thực tế là phần lớn các quỹ mua mạnh gần đây để phản ứng với mức tăng +17% đã được thúc đẩy bởi việc mua bù hoãn bán (short covering) thay vì mua mới, cho thấy sự do dự hiện tại về việc mở rộng quá mức”.

Hansen nói thêm: “Điều này làm nổi bật rủi ro khi một đợt phục hồi được thúc đẩy bởi việc cắt giảm sản xuất có động cơ chính trị và kinh tế, chứ không phải nhu cầu tăng bền vững do hoạt động kinh tế gia tăng”.

“Với suy nghĩ đó, chúng tôi vẫn giữ mức dự báo trong phạm vi giá từ 80 đến 90 USD cho quý hiện tại, trừ khi triển vọng kinh tế trái ngược với kỳ vọng của chúng tôi và có dấu hiệu cải thiện,” chiến lược gia này lý giải thêm.

Tuy nhiên, nếu giá dầu tiếp tục tăng, nhu cầu từ các nhà nhập khẩu lớn có thể giảm so với các tháng trước. Bóng ma của lạm phát do năng lượng đang lờ mờ hiện ra. Giá dầu và lương thực đã tăng vọt trong những tuần gần đây, và ngay cả khi chúng không nằm trong chỉ số lạm phát cốt lõi, nhưng vẫn sẽ đẩy giá mọi thứ lên cao trong khi tăng lương vẫn tiếp tục chậm ở một số nền kinh tế lớn - một công thức đẩy nhanh lạm phát.

Randall Kroszner, cựu thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và hiện là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago, nói với CNN: “Thật ngu ngốc nếu bất kỳ ngân hàng trung ương nào tuyên bố chiến thắng”.

Dữ liệu lạm phát trước đó của Hoa Kỳ cho tháng 6 là lạc quan với hy vọng “hạ cánh mềm”, nhưng thị trường sẽ cần thêm bằng chứng cho thấy sự suy giảm này là bền vững.

Trong khi đó, giá xăng tại Mỹ đang tăng và giá năng lượng cao hơn có thể trì hoãn việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện tại, làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM