Giá dầu đã tăng mạnh trong tháng 11 vừa qua, nhờ hy vọng sẽ sớm có vaccine ngừa Covid-19 để tiêm chủng...
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/11) do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh chưa đạt nhất trí về vấn đề sản lượng cho thời gian tới. Số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục leo thang ở Mỹ và châu Âu cũng gây sức ép giảm lên giá "vàng đen".
Tuy nhiên, giá dầu đã tăng mạnh trong tháng 11 vừa qua, nhờ hy vọng sẽ sớm có vaccine ngừa Covid-19 để tiêm chủng, theo đó cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới.
Lẽ ra, OPEC và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, sẽ nhóm họp tại Vienna, Áo vào ngày 1/12 để công bố quyết định sản lượng. Tuy nhiên, theo tin mới nhận, OPEC+ đã dời cuộc họp sang ngày thứ Năm (3/12) do chưa đạt được nhất trí.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 1 tại thị trường New York giảm 0,19 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, chốt ở 45,34 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 2 tại thị trường London giảm 0,37 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 47,8 USD/thùng.
Tính cả tháng, giá dầu WTI tăng 26,7%, trong khi giá dầu Brent tăng 27%.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Algeria, ông Abdelmadjid Attar, ngày 30/11 nói rằng nội bộ OPEC đã nhất trí sẽ duy trì thêm 3 tháng nữa, bắt đầu từ tháng 1, việc giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày như trong thỏa thuận hiện có của OPEC+. Tuy nhiên, việc này cần phải có sự nhất trí của đối tác của OPEC, chủ yếu là Nga, trong OPEC+.
Nhà phân tích Stewart Glickman thuộc CFRA Research nói với MarketWatch rằng cuộc họp OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục mức cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày, nhưng "vấn đề là trong bao lâu".
"Việc kéo dài thêm 3 tháng hoặc ít hơn sẽ gây thất vọng, vì khoảng thời gian đó chưa đủ để tình hình dịch bệnh có diễn biến khả quan", ông Glickman nói. "Gia hạn thêm 6 tháng hoặc hơn mới là tin tốt".
Tháng 4 năm nay, OPEC+ nhất trí giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày. Đến tháng 8, nhóm này thu hẹp mức cắt giảm sản lượng còn 7,7 triệu thùng/ngày, dự kiến duy trì đến hết tháng 12, sau đó thu hẹp tiếp còn 5,7 triệu thùng ngày từ tháng 1 nếu không có sự điều chỉnh ở lần họp này.
Theo nhà phân tích Hussein Sayed của FXTM, nhu cầu tiêu thụ dầu đã hồi phục dần ở khu vực châu Á, nhưng chưa hồi phục ở châu Âu và Mỹ, đặt OPEC+ trước "lựa chọn khó khăn về việc có nâng sản lượng trở lại hay không".
Ngân hàng Goldman Sachs thì nói rằng số ca nhiễm Covid-19 gia tăng sẽ không thể ngăn thị trường dầu tái cân bằng, bởi những bước tiến tích cực của vaccine đang mang lại sự hỗ trợ mạnh mẽ. Nhà băng này dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 65 USD/thùng trong năm 2021.
Một cuộc khảo sát do Reuters thực hiện với sự tham gia của 40 chuyên gia dự báo giá dầu Brent bình quân ở mức 49,35 USD/thùng trong năm 2021.
Nguồn tin: vnEconomy