Giá dầu quay đầu đi xuống trong phiên 13/5 do những lo ngại liên quan đến khả năng dịch Covid-19 tái bùng phát ở một số quốc gia.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 56 xu Mỹ, tương đương 1,9%, xuống còn 29,42 USD/thùng sau khi tăng 1,2% trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 23 xu Mỹ, tương đương 0,9%, xuống 25,55 USD sau khi tăng 6,8% trong phiên 12/5.
Giá dầu quay đầu giảm gần 2% trong phiên 13/5.
Ngày 12/5, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia ra điều trần trước Ủy ban Y tế Thượng viện để thảo luận về kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế. Ông Fauci cho biết vaccine là công cụ không thể thiếu trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19.
Cố vấn y tế của Nhà Trắng Anthony Fauci cho rằng nước Mỹ sẽ cần thêm một khoảng thời gian nữa mới có thể tạo ra được vaccine. Ông cũng cảnh báo rằng nước Mỹ có thể phải đối mặt với sự bùng phát thứ hai của dịch Covid-19, hiện đã khiến 80.000 người Mỹ tử vong, nếu việc mở cửa trở lại diễn ra quá nhanh.
Đức, Hàn Quốc số ca nhiễm mới bất ngờ tăng mạnh trong những ngày gần đây khi các nước bỏ lệnh giãn cách xã hội, và thậm chí tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) - tâm dịch đầu tiên của thế giới, cũng xuất hiện các ca nhiễm mới sau hơn 1 tháng dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Stephen Fennoc tại công ty môi giới dầu khí PVM cho rằng giá dầu mất đà phục hồi trong phiên này do những lo ngại rằng dịch Covid-19 có thể khiến các nước phải tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa, qua đó làm ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng cũng như hoạt động kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, thị trường “vàng đen” cũng chịu sức ép trong phiên này khi số liệu dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng.
Viện Dầu khí Mỹ (API) hôm 12/5 cho biết, lượng dự trữ dầu của nước này tăng 7,6 triệu thùng trong tuần trước lên 526,2 triệu thùng, cao hơn mức dự kiến tăng 4,1 triệu thùng của các nhà phân tích.
Liên quan đến vấn đề nguồn cung, nội các Ả Rập Saudi hôm 13/5 đã hối thúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng hơn nữa nhằm khôi phục trạng thái cân bằng của thị trường dầu toàn cầu.
Các nguồn tin nói với Reuters ngày 13/5 rằng nhóm OPEC+ đang tìm cách duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại sau thời điểm tháng 6 tại cuộc họp chính sách ở Vienna.
Các sáng kiến của Ả Rập Saudi hướng đến việc hối thúc các nhà sản xuất trong OPEC+ tuân thủ các cam kết cũng như kêu gọi các nhà sản xuất khác tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu.
Ả Rập Saudi hôm 11/5 thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, tương đương 1% nguồn cung dầu toàn cầu, qua đó đưa tổng sản lượng khai thác của nước này xuống còn 7,5 triệu thùng/ngày.
Trước đó, ngày 12/4, các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đã nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5-6/2020 để ngăn chặn sự đổ vỡ của thị trường dầu mỏ thế giới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ giảm 8,1 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay, xuống còn 92,6 triệu thùng/ngày, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó chỉ sụt khoảng 5,2 triệu thùng/ngày.
Cơ quan này cũng dự kiến sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ giảm 540.000 thùng/ngày, nhiều hơn so với dự báo trước đó là 470.000 thùng mỗi ngày. Theo EIA, sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt mức 11,7 triệu thùng/ngày trong năm nay và 10,9 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2021./.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn