Từ một nước nhập khẩu dầu khí ròng, Mỹ đã vượt Ả rập Xê út và Nga trở thành cường quốc số 1 thế giới về năng lượng.
Làm thế nào đất nước vốn yếu thế trên mặt trận dầu khí này xoay chuyển tình thế một cách ngoạn mục như vậy? Câu trả lời đó chính là cuộc cách mạng dầu khí đá phiến.
Cách mạng dầu khí đá phiến Mỹ là gì?
Mỏ dầu đá phiến Bakken, một điểm nóng của cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ
Chưa có một định nghĩa chính thức nào về cách mạng dầu khí đá phiến mặc dù cụm từ này được sử dụng nhiều trên báo chí phương Tây từ cách đây khoảng 5 năm. Tuy nhiên, có thể nói cách mạng dầu khí đá phiến là dùng để chỉ hiện tượng nguồn cung dầu khí Mỹ bùng nổ nhờ công nghệ khai thác đứt gãy thủy lực và khoan ngang các mỏ đá phiến trong thời điểm giá dầu khí ở mức cao, trên 100 USD/ thùng. Cuộc cách mạng khí đá phiến đã xảy ra vào năm 2010 và cách mạng dầu đá phiến xảy ra trong giai đoạn 2013 -2014.
Nhìn lại lịch sử khoảng 40 năm trước, theo tạp chí World Financial Review, giới tinh hoa Mỹ đã đặt ra vấn đề "độc lập năng lượng" bởi Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu khí ròng từ đầu những năm 1970 - khoảng thời gian diễn ra cuộc đại khủng hoảng dầu đầu tiên. Mặc dù họ hiếm khi nói chi tiết hoặc phân tích cặn kẽ về thuật ngữ "độc lập năng lượng", nhưng người ta nghĩ rằng trong kịch bản tham vọng nhất, Mỹ sẽ không bao giờ phải nhập dầu khí. Còn trong kịch bản ít tham vọng hơn, nhu cầu nhập dầu khí của Mỹ sẽ giảm ở mức chỉ nhập của các nước láng giềng thân thiện, chứ không phải từ các nước có địa chính trị mâu thuẫn với Mỹ.
Cho đến tận 5 năm về trước, nước Mỹ là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Vẫn còn nhiều dự đoán Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu gas đắt đỏ và cụm từ "độc lập năng lượng" ở Mỹ từ lâu đã không được nhắc đến hoặc bị lờ đi.
Nhưng kể từ đó, theo tờ Foreign Affairs, những dự đoán này đã được chứng minh là sai hoàn toàn. Sản xuất năng lượng toàn cầu đã bắt đầu dịch chuyển dần khỏi các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông và Á Âu do khai thác các nguồn dầu khí phi truyền thống ở khắp thế giới.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng lớn nhất đã diễn ra ở Mỹ, nơi các nhà sản xuất đã tận dụng được hai công nghệ mới để mở khóa các nguồn lực từng được coi là không khả thi về mặt thương mại: khoan ngang cho phép mũi khoan thâm nhập sâu rộng vào lòng các tầng đá phiến có chứa dầu khí và nứt vỡ thủy lực (hoặc bẻ gãy thủy lực, đập vỡ thủy lực), tức là bơm dung dịch nước, hóa chất, cát vào giếng với áp lực lớn để thu hồi dầu khí.
Thực tế, với nhiều quốc gia trên thế giới, trữ lượng dầu khí từ đá phiến còn lớn hơn Mỹ và không lạ gì các công nghệ này nhưng họ không màng đến khai thác dầu khí đá phiến. Đơn giản là họ có trữ lượng dầu khí truyền thống lớn, khai thác dễ dàng với chi phí rẻ hơn.
Do đó, các chuyên gia Nga cho rằng cuộc cách mạng khí đá phiến ở Mỹ không làm thay đổi cục diện thị trường. Mỹ dù tăng sản lượng khí nhưng khả năng xuất khẩu khó vì phải làm mát khí trở thành chất lỏng ở nhiệt độ -162 độ C, chất lên các tàu cách nhiệt khổng lồ để vượt đại dương đến các thị trường mục tiêu. Đây là một quá trình đắt đỏ, nên khi sản lượng tăng, giá khí tự nhiên ở Mỹ giảm mạnh do nguồn cung dư thừa không vươn tới được các thị trường khác.
Về dầu đá phiến, trong khi các báo cáo nghiên cứu từ Mỹ từ cách đây vài năm cho rằng cuộc cách mạng dầu đá phiến đã xảy ra thì các chuyên gia Nga đến giữa năm 2014 vẫn hoài nghi. Bài viết đăng trên hãng tin RIA của Nga trích dẫn lời một chuyên gia nhận định: hiện giá thành tất cả các dự án dầu đá phiến vẫn còn rất cao, muốn khai thác được đòi hỏi phải có thiết bị phù hợp, cho đến nay vẫn chưa sản xuất hàng loạt. Ông dẫn chứng trường hợp công ty dầu khí Marathon của Mỹ hầu như đã bị phá sản vì các dự án đá phiến. Bản thân công nghệ khai thác này cũng đã tạo ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến môi trường.
Nhưng những số liệu thống kê cho thấy sản lượng năng lượng của Mỹ đã tăng ngoạn mục. Foreign Affairs đưa tin, giai đoạn 2007 – 2012, sản lượng khí đá phiến Mỹ tăng 50% mỗi năm. Thị phần khí đá phiến trong tổng sản lượng khí của Mỹ tăng từ 5% lên 39%. Các bến từng được dự định để phục vụ đưa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tới người tiêu dùng Mỹ nay đang được cấu hình lại để xuất khẩu LNG.
Giai đoạn 2007 -2012, khai thác phá vỡ thủy lực cũng giúp cho sản lượng dầu đá phiến (dầu chặt nhẹ) tăng 18 lần. Sự bùng nổ này đã thành công trong việc đảo ngược thế trận sản xuất dầu thô ở Mỹ vốn đã suy giảm trong một thời gian dài.
Nhờ có những phát triển này, nước Mỹ nay đã trở thành một cường quốc năng lượng. Năm ngoái, Mỹ đã vượt Nga để giành vị trí số 1 thế giới về sản xuất gas và vào năm tới, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, Mỹ sẽ vượt Ả rập Xê út và Nga trở thành nhà sản xuất dầu thô số 1 thế giới.
Nói về cách mạng dầu đá phiến, không thể không nhắc đến George P. Mitchell (1919-2013), người Texas được mệnh danh là "cha đẻ khí đá phiến". Thực ra, ông không phát hiện ra dầu khí đá phiến. Ông thậm chí cũng không sáng chế ra công nghệ nứt vỡ thủy lực – nó đã được sử dụng từ hồi những năm 1940. Song nói chung là có rất ít doanh nhân vĩ đại sáng chế ra một thứ hoàn toàn mới. Công lao của ông nằm ở sự kết hợp giữa tầm nhìn và kiên định: Ông đã thuyết phục được rằng công nghệ [nứt vỡ thủy lực và khoan ngang] có thể bẻ khóa các vùng giàu trữ lượng dầu khí khổng lồ bên dưới lòng đất Bắc Mỹ và ông vật lộn không ngừng nghỉ với những tầng đá cứng rắn cho đến khi nó phải đầu hàng, "nhả" ra nguồn tài nguyên giàu có nó tích trữ từ hàng triệu năm.
Những cái giá phải trả
Sự bùng nổ dầu khí đá phiến Mỹ diễn ra vào thời điểm giá dầu thô trên thế giới duy trì ở mức cao, trên 100 USD/ thùng. Sự bùng nổ này còn được mô tả bằng hình ảnh được cường điệu lên là "người dân Mỹ bơi trong khí".
Những lợi ích của sự bùng nổ này đối với nền kinh tế Mỹ và bên ngoài nước Mỹ được ca tụng như sự kỳ diệu: giảm chi phí điện, thêm hàng tỷ đô la cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo ra hàng trăm nghìn việc làm gián tiếp và trực tiếp; tăng đáng kể nguồn thu thuế cho chính phủ Mỹ... và quan trọng hơn cả, nước Mỹ có một công cụ quyền lực mới để gây ảnh hưởng lên thị trường năng lượng toàn cầu và duy trì vững chắc vị thế địa chính trị của mình.
Vậy còn cái giá phải trả thì sao?
Các nhà hoạt động môi trường phản đối California ra luật về nứt vỡ thủy lực (fracking). Ảnh: Huffington Post
Trước hết là những quan ngại về sức khỏe và môi trường. Như đã đề cập, khai thác dầu khí đá phiến bằng công nghệ nứt vỡ thủy lực đòi hỏi tiêu tốn một lượng nước rất lớn.
Tuy nhiên hiện nay, việc thiếu những định nghĩa thống nhất trong đánh giá về sử dụng nước trong quá trình phân rã là một yếu tố gây cản trở cho việc đưa ra số liệu chính xác.
Năm 2009, Hội đồng Bảo vệ Nguồn nước ngầm Hoa Kỳ đã công bố lượng nước trung bình cần sử dụng để khoan và hút một giếng khí đá phiến là từ khoảng 8.000-15.000 m3 để có được về 300 xe tải dầu. Theo báo cáo năm 2011 của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), lượng nước sử dụng cho khai thác đá phiến tại Mỹ có thể lên đến 530 triệu m3, tương đương 1/5 tổng lượng nước tiêu thụ của Thụy Điển năm 2010.
Ngoài nguồn nước, công nghệ nứt vỡ thủy lực còn sử dụng hóa chất. Nghiên cứu của Đại học Missouri cho thấy trong khoảng 700-800 loại hóa chất sử dụng trong quá trình phân rã thủy lực, nhiều loạt bị liệt vào danh sách các hóa chất gây rối loạn hooc-môn. Những hóa chất này tác động đến hệ nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, sinh dục và quá trình trao đổi chất của cơ thể, có thể dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở trẻ hoặc gây bệnh ung thư.
Chính vì vậy, có nhiều vấn đề cần được đánh giá cẩn trọng để xác định được các nguy cơ mà hóa chất được sử dụng có thể tác động lên môi trường và con người: Những hóa chất này có hại cho sức khỏe và môi trường hay không? Có thể xảy ra trường hợp hóa chất bị rò rỉ ra gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh bao gồm cả nguồn nước? Điều gì sẽ xảy ra khi các khoáng chất và các chất có phóng xạ được dùng để phân rã ngấm trở lại mặt đất?
Ngoài ra, còn có những lo ngại khai thác dầu đá phiến có thể dẫn đến động đất. Hồi tháng Chín vừa qua, một nhóm các nhà khoa học với Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ đã phát hiện ra bằng chứng "liên quan trực tiếp" giữa nước thải chứa trong hàng nghìn giếng khoan với các trận động đất ở Colorado và New Mexico. Đây chỉ là nghiên cứu mới nhất trong một loạt nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước thải di chuyển dọc các đường nứt gãy không hoạt động, thay đổi trạng thái cấu trúc phiến đá khiến chúng sụp đổ, gây ra động đất.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là liên quan đến tài chính. Cần phải nhấn mạnh rằng ngoài những tiến bộ công nghệ, lãi suất thấp và giá dầu cao là những yếu tố giúp cho dầu đá phiến bùng nổ. Tuy nhiên, khi nguồn cung dầu khí đá phiến Mỹ đột ngột tăng, giá dầu thế giới giảm mạnh, thậm chí có thời điểm đã xuống dưới 60 USD/ thùng, dẫn đến cuộc chiến giá dầu giữa Mỹ và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) – mà thực chất là Ả rập Xê út. Điều này đã làm cho nhiều ông chủ khoan dầu Mỹ thua lỗ, nhưng cũng có nhiều giếng tuyên bố giá dầu dưới 50 USD/ thùng họ vẫn có lãi.
Tại sao lại như vậy? Liệu cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ có bị giá dầu thế giới nhấn chìm? Và cuộc chiến giá dầu sẽ đi đến đâu? Nga, Mỹ, Ả rập Xê út – ai được, ai mất? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm câu trả lời trong bài viết tới.
Nguồn tin: vnreview.vn