Giá dầu đã liên tục giao dịch dưới 100 USD/thùng từ đầu tháng 8 cho đến nay, bị đè nặng bởi lo ngại về sự phá hủy nhu cầu, lo ngại về suy thoái tiềm ẩn ở châu Âu và Hoa Kỳ, và thị trường e ngại về tăng trưởng kinh tế tại nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu không có một cuộc suy thoái sâu làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu, giá dầu dự kiến sẽ tăng vào cuối năm nay và đầu năm tới, một số nhà phân tích nhận định. Hầu hết đều chỉ ra rằng công suất dự phòng rất hạn chế của cả các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ và nhóm OPEC+ là yếu tố chính khiến giá dầu tăng cao hơn trong năm tới, ngay cả khi nhu cầu toàn cầu tăng ít hơn dự kiến hiện tại.
Lệnh cấm vận của EU đối với nhập khẩu dầu đường biển của Nga vào cuối năm nay cũng được cho là sẽ đẩy giá lên cao hơn do dòng chảy thương mại sẽ phải điều chỉnh một lần nữa, như đã từng diễn ra trong hai tháng đầu tiên khi Nga xâm lược Ukraine.
Trong khi đó, các yếu tố giảm giá là thỏa thuận hạt nhân Iran, nếu được Iran và các cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ, đồng ý, thì có thể trả lại khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường trong vòng một năm.
Tuy nhiên, ngay trong tuần này, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và nhà sản xuất hàng đầu OPEC, Ả Rập Xê-út, đã cố gắng ủng hộ giá dầu, tuyên bố rằng các đối tác của nhóm OPEC+ có "cách thức để đối phó với những thách thức thị trường bao gồm cắt giảm sản lượng vào bất kỳ lúc nào và với những hình thức khác nhau". Sau đó là việc chấm dứt các đợt giải phóng kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Hoa Kỳ (SPR), hiện đang được ấn định là sẽ kết thúc vào tháng 10. Việc kết thúc các đợt xả kho SPR có thể làm thắt chặt hơn nữa thị trường dầu trước mùa đông trong khi các công ty tiện ích ở châu Âu và châu Á đang chuyển từ sản xuất nhiên liệu bằng khí đốt sang dầu do giá khí đốt tự nhiên quá cao.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại và thỏa thuận hạt nhân Iran có thể diễn ra đang kéo giá đi xuống. Nhưng sự chuyển đổi từ khí đốt sang dầu, OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng một lần nữa, công suất dự phòng toàn cầu rất thấp, kết thúc các đợt giải phóng SPR và các công ty đá phiến của Mỹ tiếp tục duy trì kỷ luật vốn đều là những yếu tố khiến giá dầu tăng.
Theo nhiều nhà phân tích, một cuộc suy thoái nhẹ có thể không xóa bỏ tăng trưởng nhu cầu dầu.
Neal Dingmann, Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Năng lượng tại Truist Securities, nói với Yahoo Finance Live tuần này: Do công suất dự phòng rất thấp, "ngay cả khi nhu cầu chỉ tăng nhẹ, tôi nghĩ rằng giá cũng sẽ lên cao hơn rất nhiều".
Dingmann cho biết: “Ở trong nước, cho dù đó là dầu hay khí đốt, các công ty này có công suất rất hạn chế vào thời điểm này”, đồng thời cho biết thêm rằng với nhu cầu LNG ở châu Âu tăng cao, các nhà sản xuất khí đốt lớn nhất ở Mỹ sẽ tiếp tục đút túi khoản tiền lớn”.
Đề cập đến công suất dự phòng toàn cầu, chuyên gia năng lượng này cho rằng "trên toàn thế giới tại OPEC+, thậm chí tính luôn cả Saudi, không có công suất dự phòng mà mọi người nhận thấy ở đó."
Dingmann cho rằng dầu có thể giảm xuống 80 USD/thùng trong năm nay, nhưng sau đó lại tăng vọt lên 110 USD/thùng vào đầu năm sau, chủ yếu là do công suất dự phòng hạn chế cho sản xuất dầu và khí đốt trên toàn cầu.
Tuần này, Saudi Arabia cho biết OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng nếu cần, Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
"Thị trường không thể phản ánh thực tế của các nguyên tắc cơ bản cung-cầu một cách có ý nghĩa và có thể mang lại cảm giác an toàn sai lầm vào những thời điểm khi công suất dự phòng bị hạn chế nghiêm trọng và nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng vẫn còn cao", Hoàng tử Abdulaziz bin Salman phát biểu, được Cơ quan Báo chí Ả Rập Xê Út đưa tin.
Vòng luẩn quẩn của thanh khoản mỏng và sự biến động cực độ trên thị trường dầu kỳ hạn "được khuếch đại bởi những câu chuyện không có cơ sở về sự phá hủy nhu cầu, tin tức lặp đi lặp lại về sự trở lại của khối lượng lớn nguồn cung, sự mơ hồ và không chắc chắn về tác động tiềm tàng của mức giá trần, các lệnh cấm vận và các biện pháp trừng phạt", Hoàng tử Abdulaziz bin Salman bình luận.
Ông cho biết nhóm OPEC+ sẽ sớm bắt tay vào thực hiện một thỏa thuận mới sau năm 2022 và "Chúng tôi quyết tâm làm cho thỏa thuận mới hiệu quả hơn trước."
Với cuộc phỏng vấn Bloomberg này cũng được công bố bởi hãng thông tấn chính thức của Ả Rập Xê Út, Ả Rập Xê Út phát đi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường rằng họ sẽ tiếp tục quản lý nguồn cung dầu và giá dầu.
Nếu suy thoái không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu toàn cầu, giá dầu có thể quay trở lại đà phục hồi do OPEC+ có thể ứng phó sự quay trở lại của dầu Iran bằng các đợt cắt giảm mới, trong khi nguồn cung của Nga phải chịu lệnh cấm vận của EU có thể giảm xuống.
Nguồn tin: xangdau.net