Dù OPEC thực hiện đúng các cam kết về cắt giảm sản lượng khai thác dầu, giá dầu vẫn biến động liên tiếp phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Giá dầu có thể đạt đỉnh trong 3 tháng tới
Kể từ đầu năm 2017 đến nay, tuần qua đánh dấu tác động tích cực nhất của giá dầu khi leo trở lại trên mức 52USD/thùng. Nhiều chuyên gia dự báo, mức tăng này sẽ còn duy trì thậm chí tăng lên nữa nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi.
Giá dầu sẽ tăng nữa trong 3 tháng tới.
Iraq từng đưa ra yêu cầu về miễn trừ trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng hiện tại, Iraq sẵn sàng cắt giảm sản lượng của mình sâu hơn nữa. OPEC thống kê, sản lượng khai thác của nước này đã giảm khoảng 2% trong tháng 3/2017. Quốc gia này đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 210.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 4 tới. Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, Iraq cam kết họ sẽ bảo đảm tuân thủ đầy đủ.
Cùng với đó, Nga- nước xuất khẩu dầu lớn nhất trong số các nước ngoài OPEC tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng cũng thực hiện nghiêm túc cam kết này. Dữ liệu của Bộ Năng lượng Nga cho thấy, sản lượng dầu thô của nước này đã giảm khoảng 1,6% so với mức kỷ lục vào tháng 10 năm ngoái là 11,23 triệu thùng/ngày, giờ đây chỉ còn đạt khoảng 11,05 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, Nga đã cam kết sẽ giảm thêm khoảng 300.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 4.
Yếu tố thứ hai góp phần thúc đẩy giá dầu tăng lên là lượng dữ trữ dầu trên thế giới giảm xuống. Trong bài phát biểu mới nhất của mình, Tổng thư ký OPEC Barkindo cho biết, kho dự trữ dầu thô trên toàn cầu đang bắt đầu sụt giảm.
Báo cáo mới nhất của Morgan Stanley cho biết, nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC được duy trì đến hết năm nay thay vì chỉ đến tháng 6 như đã cam kết, thì kho dự trữ dầu toàn cầu có thể giảm khoảng 72 triệu thùng trong năm nay, chủ yếu là ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản – những nền kinh tế luôn có mức độ đề phòng rủi ro về năng lượng cao và luôn duy trì mức dự trữ dầu tương đối lớn.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ dầu gia tăng ở các thị trường lớn trên thế giới do mùa hè đã đến đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ là yếu tố tích cực nhằm khôi phục lại giá dầu.
Đơn cử như tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng mạnh sẽ khiến quốc gia này tiếp tục mua dầu để đáp ứng, bất chấp việc các nhà máy dầu đá phiến quay trở lại hoạt động của mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Như vậy, trong một dự báo lạc quan, giá dầu sẽ tiếp tục tăng nếu các yếu tố trên tiếp tục được duy trì - một khả năng rất dễ xảy ra.
Cam kết cắt giảm sản lượng dầu càng kéo dài lâu, các nước tham gia càng được hưởng lợi. Hiện tại, có 5 nước thành viên OPEC cho biết họ sẵn sàng ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận đến hết năm 2017 cùng với một nước khác ngoài OPEC là Oman.
Giá dầu sẽ khó duy trì trong 2 tuần nữa
Ngược với các dự báo lạc quan, giá dầu kỳ hạn đã giảm trong ngày 3/4 khi các giàn khoan dầu của Mỹ đang tăng lên với tốc độ chóng mặt.
Giá dầu Brent kỳ hạn đã giảm 7 cent xuống 53,46 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 3 đóng cửa phiên trước giảm 13 cent xuống 52,83 USD/thùng.
Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 3 cent xuống 50,57 USD/thùng sau khi chốt phiên trước tăng 25 cent.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI và Brent đều đã giảm hơn 6%.
Cả hai hợp đồng này có quý 1 giảm mạnh nhất trong các quý kể từ cuối năm 2015. Dầu thô ngọt nhẹ WTI đã giảm gần 6% so với quý trước, trong khi dầu Brent giảm 7% do tồn kho ngày càng tăng vượt sản lượng cắt giảm của OPEC và các nhà sản xuất ngoài OPEC.
Bất chấp đà tăng mạnh trong tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn ghi nhận một quý “tồi tệ”, khi mối lo ngại về tình trạng dư cung vẫn chưa thôi “ám ảnh” thị trường này. Tính chung trong quý I/2017, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ đã lần lượt giảm 7% và 5,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2015.
Ông Ric Spooner, phụ trách phân tích thị trường tại CMC Markets, Sydney nhận định: “Chúng tôi có thể gần kết thúc đợt tăng giá. Đợt ngừng tăng hiện nay có thể là dấu hiệu theo hướng thị trường - chúng tôi đã thấy những gì xảy ra tại châu Âu và Mỹ cuối ngày hôm nay”.
“Chúng tôi có một đợt tăng giá đáng kể trong tuần qua, thúc đẩy bởi sản lượng của Libya do gián đoạn, mức độ sử dụng dầu của các nhà máy lọc dầu Mỹ là cao và các thảo luận về việc kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng thêm 6 tháng tiếp của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC” - vị chuyên gia nói thêm.
Nguồn tin: Baodatviet