Việc 6 tàu chở dầu trong vòng 1 tháng bị tấn công ở vùng Vịnh, máy bay do thám của Mỹ bị Iran bắn rơi, đã làm cho căng thẳng Mỹ - Iran lên tột độ, nguy cơ chiến tranh đến gần. Cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường dầu mỏ thế giới?
Kịch bản nào cho chiến tranh Mỹ - Iran?
Kế hoạch quân sự của Mỹ chống lại Iran đã được đưa ra tranh luận công khai giữa Tổng thống Donald Trump và Lầu Năm Góc liên quan đến việc gửi 120.000 quân đội Mỹ đến vùng Vịnh.
Thoạt nhìn, kế hoạch đó dường như là điều không tưởng. Nếu xung đột xảy ra, 120.000 binh sĩ Mỹ sẽ phải đối mặt với hơn 650.000 binh sĩ Iran. Để so sánh, trong cuộc chiến đầu tiên của Mỹ chống lại chính quyền Saddam Hussein ở Iraq, Mỹ đã phải huy động gần 700.000 binh sĩ Mỹ và đồng minh trong khu vực, sau đó mới tấn công Iraq, mặc dù lúc này Iraq đã rơi vào tình trạng cô lập quốc tế. Khi bắt đầu cuộc chiến, quân đội Iraq có khoảng 350.000 lính. Do đó, Mỹ đã giành được ưu thế khi có số quân tham gia gấp đôi.
Ảnh minh họa
Theo “Kế hoạch chiến tranh vùng Vịnh” được viết vào năm 2018, Lầu Năm Góc dự định chiếm tỉnh Khuzestan của Iran, cũng như một số cảng vùng Vịnh. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Lầu Năm Góc chỉ cần 2 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn bọc thép và 1 sư đoàn lính thủy đánh bộ, với sự hỗ trợ của hạm đội hải quân và không quân từ các căn cứ của Mỹ tại các nước có chung biên giới với Iran. Mỹ chỉ cần 120.000 binh sĩ tham gia là đủ để lấy được Khuzestan.
Khuzestan là một mục tiêu thực tế vì nhiều lý do. Khuzestan chủ yếu là dân Arập, chứ không phải Ba Tư. Người dân Khuzestan có truyền thống ly khai từ xưa. Trong trường hợp đổ bộ vào Khuzestan, quân đội Mỹ sẽ được bảo vệ bên sườn phải bởi hạm đội của Mỹ ở vùng Vịnh, trong khi ở mặt trước và bên trái, quân đội Iran sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành một cuộc phản công vì địa hình chủ yếu là đồi núi, chỉ có một vài con đường có thể đi đến. Khuzestan không chỉ giáp với Iraq mà còn gần với Kuwait và Arập Xêút, hai đồng minh của Mỹ. Cuối cùng, Khuzestan chứa gần 80% trữ lượng dầu khí, 1/3 nguồn nước ngọt ở Iran.
Mỹ chỉ có thể chiếm Khuzestan bằng một đội quân hạn chế, trước khi đẩy Tehran vào các cuộc đàm phán. Đây là cách Mỹ đã hành động ở Syria: Sử dụng người Kurd theo chủ nghĩa ly khai để bảo đảm sự hiện diện lâu dài của người Mỹ ở Syria trong tỉnh Rojava và gây áp lực lên chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Điểm mạnh của Iran
Làm thế nào Iran có thể chống lại sự tấn công này của Mỹ? Phản ứng của Tehran đã được biết đến và hơn nữa đã được sử dụng trong quá khứ: Iran có thể chặn eo biển Hormuz. Lực lượng hải quân của Iran mặc dù không thể so sánh với hải quân Mỹ nhưng sẽ đủ sức làm điều đó, bởi vì địa hình eo biển Hormuz có lợi cho Iran, trái với địa hình ở Khuzestan.
Ở chỗ hẹp nhất của eo biển Hormuz chỉ khoảng 39km, nhưng chỉ chưa đầy 10km là tàu thuyền có thể di chuyển. Phần này được chia thành hai đường hàng hải có chiều rộng 3km, cách nhau bởi một vùng đệm. Eo biển nối vịnh Ba Tư với biển Arập và Ấn Độ Dương. Đây là tuyến đường huyết mạch với các tàu chở dầu của Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và Iraq, cũng như những tàu chở LNG của Qatar. Gần 80% lượng dầu đi qua eo biển Hormuz đến các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hoạt động giao thông ở eo biển này do hải quân Iran, cùng với Oman kiểm soát. Khi đi qua eo biển Hormuz, tất cả các tàu đều đi qua lãnh hải Iran.
Trong giai đoạn hai của cuộc chiến Iran - Iraq, bắt đầu từ năm 1984, được gọi là cuộc chiến tàu chở dầu kéo dài suốt 4 năm. Hai bên thi nhau tấn công tàu chở dầu của nhau và của các nước thứ ba. Trong thời gian này, hơn 300 tàu, chủ yếu là tàu chở dầu, đã bị hư hại. Hải quân hai nước không phải là “vũ khí” chính trong cuộc chiến này mà là không quân và mìn. Iran và Iraq đều cố gắng gài đầy mìn trên đoạn đường 10km của eo biển Hormuz. An ninh trong khu vực lúc đó được 3 nhóm tàu sân bay Mỹ bảo đảm, nhưng đều bất lực khi đối mặt với không quân Iran và các hàng rào mìn dưới biển. Chính hải quân Mỹ - tàu phá mìn, tàu khu trục, tàu hộ tống chiến tranh - đã gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc xung đột Iran - Iraq.
Hơn nữa, việc tàu khu trục Stark của Mỹ bị trúng tên lửa chống hạm, lần đầu tiên trong 30 năm, là một vết nhơ không thể rửa sạch của người Mỹ khi tham gia cuộc chiến tàu chở dầu. Vào ngày 17-5-1987, 1 máy bay chiến đấu Mirage F1 của không quân Iraq đã tấn công nhầm vào tàu khu trục USS Stark của Mỹ bằng 2 tên lửa, khiến 37 thủy thủ thiệt mạng, 21 thủy thủ bị thương. Sau đó, Saddam Hussein đã đích thân xin lỗi Mỹ, nói rằng phi công đã tưởng tàu khu trục Stark là 1 tàu chở hàng của Iran.
Sau sự cố đó, sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột Iran - Iraq chỉ còn trên danh nghĩa. Hải quân Mỹ bảo đảm an ninh ở eo biển Hormuz bằng cách cố gắng ngăn chặn các cuộc phá hoại tàu ở vịnh Ba Tư, mà không lao vào cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran và Iraq. Và bây giờ, Mỹ muốn bắt đầu một cuộc chiến, mặc dù hạn chế, nhưng phải trực tiếp đối đầu với Iran.
Mối lo dự trữ dầu chiến lược
Mỹ chắc chắn nhận thức được sự nguy hiểm đến từ các biện pháp đối phó của Iran, có thể ảnh hưởng đến gần 40% xuất khẩu dầu toàn cầu.
Nhìn chung, Mỹ cũng chắc chắn về sự an toàn của chính mình. Dự trữ chiến lược của Mỹ đạt gần 730 triệu thùng dầu thô, quá đủ để dùng trong 60 ngày không cần nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc rút dầu dự trữ ra bán thử đã chỉ ra rằng một số loại dầu chiến lược của Mỹ được lưu trữ kém dưới lòng đất và bị ô nhiễm hydro sulfua.
Để lưu trữ dầu, Mỹ sử dụng các kho chứa đặt ở những nơi ổn định về địa chất. Kho chứa lớn nhất với gần 250 triệu thùng dầu, nằm ở Bryan Mound và dầu ở đây bị ô nhiễm, có hình dạng như một hang động muối. Những hang động này đã bị ô nhiễm bởi vi khuẩn sản xuất hydro sulfua, làm ô nhiễm 1/3 trữ lượng dầu dự trữ chiến lược. Không có loại kháng sinh nào có thể khắc phục được tình trạng này, vì vậy có thể nói rằng bây giờ Mỹ có 40 ngày dùng dầu tốt và 20 ngày dùng dầu bị ô nhiễm.
Vấn đề dự trữ dầu ở các nước EU cũng tương tự. Theo một chỉ thị của Hội đồng châu Âu (EC), mỗi quốc gia trong số 28 thành viên EU phải lưu trữ trên lãnh thổ của mình một trữ lượng dầu chiến lược tương đương với 90 ngày tiêu thụ toàn quốc. Nhưng trên thực tế, hiện chỉ có 13 quốc gia EU có được kho dự trữ như vậy. Thời hạn sử dụng của các kho dự trữ này cũng khác nhau: Trong khi Praha có dự trữ dùng trong 100 ngày, Dublin chỉ có thể bảo đảm 1 tháng…
Dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc đã đạt 450 triệu thùng, với mục tiêu 476 triệu thùng vào năm 2020, đủ để tiêu thụ trong 90 ngày không cần nhập khẩu. Dự trữ chiến lược của Nhật Bản và Hàn Quốc có vẻ khiêm tốn hơn, cả về khối lượng và thời gian thay thế, từ 40 đến 60 ngày. Cuối cùng, dự trữ dầu của Ấn Độ chỉ cho phép dùng trong 2 tuần.
Kể từ sau cuộc chiến tàu chở dầu vào những năm 80 của thế kỷ trước, các nỗ lực đã được thực hiện để giải quyết vấn đề eo biển Hormuz. Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã xây dựng một cảng biển để xuất khẩu dầu không cần đi qua eo Hormuz, trong khi Arập Xêút chọn xây dựng một tuyến đường ống để xuất khẩu dầu ra biển Đỏ.
Mối lo ngại giờ không phải là nguồn cung cấp dầu trên thị trường thế giới (điều mà Mỹ sẽ cố gắng tránh) mà là sự tăng giá dầu không thể tránh khỏi nếu diễn ra xung đột giữa Mỹ và Iran.
Gần 80% lượng dầu đi qua eo biển Hormuz đến các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hoạt động giao thông ở eo biển này do hải quân Iran, cùng với Oman kiểm soát. Khi đi qua eo biển Hormuz, tất cả các tàu đều đi qua lãnh hải Iran.
Nguồn tin: petrotimes.vn