Giá dầu ngọt nhẹ giao dịch tại thị trường New York giảm tới 7% trong phiên ngày 13/11 do những lo ngại về tình trạng dư cung kéo dài và nhu cầu “vàng đen” toàn cầu đang suy yếu.
Giá dầu ngọt nhẹ mất hơn 7% do lo ngại nguồn cung dư thừa. AFP/TTXVN
Dầu thô Mỹ đã chạm mức thấp nhất của một năm, còn dầu Brent nới rộng mức giảm của phiên 12/11, nguyên nhân là do Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sức ép lên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không cắt giảm nguồn cung để đẩy giá dầu lên. Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã giảm hơn 20% giá trị kể từ mức “đỉnh” của bốn năm ghi nhận được hồi đầu tháng 10/2018.
Cuối phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 4,24 USD (7,1%) xuống 55,69 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường London giảm 4,65 USD (6,6%) xuống 65,47 USD/thùng, mức giảm nhiều nhất tính theo ngày kể từ tháng Bảy.
Các nhà giao dịch cho biết sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán, qua đó làm dấy lên những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu, cũng góp phần vào sự mất giá của "vàng đen".
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới trong năm 2019 sẽ tăng khoảng 1,29 triệu thùng/ngày, ít hơn 70.000 thùng so với dự đoán của tháng trước đó. Tuy nhiên, sản lượng tăng khoảng 127.000 thùng/ngày lên 32,9 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih ngày 12/11 cho hay OPEC đã nhất trí rằng cần phải cắt giảm nguồn cung khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm tới so với mức của tháng 10/2018 để ngăn chặn tình trạng dư cung.
Tuy vậy, ngay cả khi Saudi Arabia cam kết giảm sản lượng, sản lượng dầu của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục mới 11,6 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, phía Nga đánh đi tín hiệu trái chiều về vấn đề này khi Giám đốc điều hành Lukoil Vagit Alekperov ngày 12/11 nói rằng ông không thấy việc cắt giảm sản lượng là cần thiết.
Nguồn tin: bnews.vn