Các nhà phân tích hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Hà Lan ING Bank cho biết đợt tăng giá dầu vẫn còn có khả năng diễn ra, và dự báo dầu thô Brent sẽ vượt trên 100 USD/thùng trong thời gian tới nếu OPEC+ không thay đổi chính sách cắt giảm nguồn cung của mình.
Giống như nhiều chuyên gia dầu mỏ khác, ING cho biết thị trường đã thắt chặt đáng kể do việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Saudi và Nga, đồng thời dự báo mức thâm hụt hiện tại hơn 2 triệu thùng/ngày sẽ kéo dài cho tới quý 4 năm nay.
Luận điểm mới nhất của họ củng cố dự báo tăng giá trước đó mà các chuyên gia đã đưa ra vào đầu năm, trong đó họ dự đoán thị trường sẽ thắt chặt từ quý hai đến cuối năm.
ING đã chỉ ra rằng diễn biến trên thị trường dầu tương lai càng củng cố thêm kịch bản tăng giá, với timespread của ICE Brent mở rộng về phía bù hoãn bán (backwardation) hơn 1,4 USD/thùng trong tuần hiện tại, tăng từ khoảng 0,60 USD/thùng vào đầu tháng.
Đồng thời, chênh lệch giữa hợp đồng tháng 12 năm 2023 và tháng 12 năm 2024 hiện đã lên tới 10 USD/thùng. Mức bù hoãn bán sâu hơn này trong đường cong kỳ hạn cho thấy các nhà giao dịch đang lạc quan rằng giá dầu thậm chí còn tăng cao hơn.
Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ có đợt chốt lời ngắn hạn khá lớn đang chờ phía trước, và ING lưu ý rằng giá dầu lên tới 100 USD là không bền vững.
Ngân hàng Hà Lan cảnh báo giá dầu khó có thể duy trì trên 100 USD/thùng trong thời gian dài và dự đoán giá Brent sẽ chỉ đạt trung bình 92 USD/thùng trong quý 4, thấp hơn một chút so với giá Brent hiện tại là 94,26 USD.
Ngân hàng ING không phải là cơ quan năng lượng duy nhất dự báo dầu vượt qua ngưỡng quan trọng về mặt tâm lý 100 USD/thùng.
StanChart đã dự báo giá Brent trong quý 4 năm 2023 sẽ đạt mức trung bình 93 USD/thùng, và đạt mức cao trong quý 4 trên 100 USD/thùng. Thật vậy, họ tin tưởng giá dầu có nhiều khả năng sẽ gây bất ngờ với đà tăng giá.
Sự bất đồng giữa các nhà phân tích là giá dầu 100 USD có thể duy trì được bao lâu. Đến lượt, điều đó có nghĩa là họ không đồng ý ở một điểm rất quan trọng: Động lực cho cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia.
ING cho biết OPEC có thể phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng khi giá nhiên liệu tiếp tục lên cao. Ngân hàng Hà Lan tin rằng từ trước tới nay, chiến lược của OPEC là ổn định thị trường chứ không nhắm tới các mức giá nhất định.
Do đó, việc dự đoán tương lai của giá dầu không phải là một trò chơi dựa trên các nguyên tắc cơ bản mà là xác định xem liệu Saudi Arabia có đang cắt giảm sản lượng để nâng giá nhằm cân bằng ngân sách năm 2023 hay liệu họ có thực sự thấy cần phải ổn định thị trường hay không.
Trong khi nhiều nhà phân tích nhận thấy nguồn cung thắt chặt và nhu cầu quá mức sẽ diễn ra trong tương lai, thì Saudi vẫn khẳng định đang cân nhắc về vấn đề này và tình hình thị trường thắt chặt không phải là điều chắc chắn. Riyadh cho rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn, cũng như nền kinh tế châu Âu và việc tăng lãi suất toàn cầu. Tuy nhiên, lãi suất toàn cầu là một lập luận khá vòng vo, vì giá dầu và khí đốt cao hơn đang đẩy lạm phát lên cao, từ đó thúc đẩy hành động tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương.
Nguồn tin: xangdau.net