Tờ Financial Times nhận định, giá dầu thô đầu năm 2019 dao động quanh mức 60USD/thùng và sẽ kết thúc năm ở mức giá này. Nhiều khả năng giá dầu sẽ không có biến động quá lớn trong năm 2020.
Cơ sở lọc dầu tại thành phố Berga, Libya
Yếu tố OPEC+
Theo Financial Times, biên độ tăng giảm giá dầu có thể sẽ không quá lớn so với mức giá năm 2020, bởi giá “vàng đen” đang trong thế giằng co của các yếu tố trên thị trường vào năm sau. Yếu tố đầu tiên là dầu đá phiến của Mỹ. Triển vọng dầu đá phiến của Mỹ có thể sẽ là yếu tố lớn nhất quyết định diễn biến thị trường dầu mỏ trong năm 2020. Lĩnh vực này đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, gây áp lực lớn lên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khi nguồn cung phát triển nhanh hơn cầu. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của dầu đá phiến sẽ chậm lại, thậm chí là suy giảm, trong năm 2020. Một số nhà phân tích dự báo dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng trưởng trong nửa đầu năm tới, nhưng sau đó không tăng hoặc giảm, dẫn đến khả năng sản lượng không thay đổi đáng kể từ tháng 1 đến tháng 12.
Thứ hai, là nhu cầu tăng chậm lại. Yếu tố khó lường đối với dầu mỏ là sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu dầu mỏ đã gặp khó khăn trong năm 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đe dọa phá hủy sự phát triển kinh tế kéo dài hàng thập niên. Tuy nhiên, nhu cầu dầu vẫn tăng và lần đầu tiên mức trung bình đạt gần 100 triệu thùng mỗi ngày, nhưng các nhà phân tích dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ xuống dưới 1% lần đầu tiên kể từ khi giá dầu sụp đổ năm 2014.
Bên cạnh đó còn là yếu tố OPEC+, gồm OPEC và các đồng minh như Nga. Từ năm 2016, cơ chế này đã hợp sức để đối chọi với dầu đá phiến của Mỹ và vào đầu tháng 12, các nước đã thực hiện một đợt cắt giảm sản lượng nữa nhằm ngăn chặn khả năng thị trường bị chôn vùi do nguồn cung mới trong nửa đầu năm sau. OPEC+ đã tương đối thành công trong việc hỗ trợ giá dầu ở mức gần 60 USD/thùng, nhưng không mấy người hy vọng rằng họ có thể đẩy dầu lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên, giới phân tích của OPEC dự báo rằng năm tới thị trường sẽ tương đối cân bằng, ít nhất là nếu tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng và sản xuất dầu đá phiến của Mỹ chậm lại. Về nguồn cung dầu, dù OPEC+ đã cắt giảm sản lượng, nhưng Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vẫn cảnh báo tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trên thực tế, sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu, giá dầu Brent chỉ tăng 1USD lên khoảng 64USD/thùng. IEA cũng hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm tới xuống còn 101,5 triệu thùng/ngày, giảm 0,1 triệu thùng/ngày.
Phụ thuộc căng thẳng thương mại
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dự báo giá dầu mỏ thế giới có thể dao động ở mức 60-65USD/thùng. Tăng trưởng nhu cầu về dầu mỏ sẽ tùy thuộc vào khả năng giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Giá dầu đã đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 3 tháng vào giữa tháng 12 vừa qua trong bối cảnh gia tăng sự lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt sẽ khiến triển vọng kinh tế thế giới lạc quan hơn và khi các nền kinh tế “tăng tốc”, nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” cũng sẽ gia tăng. Tiến trình Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) có thể tránh kịch bản không thỏa thuận, sẽ “trợ lực” cho giá dầu ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2020. Giới quan sát cho rằng cần giám sát diễn biến tại Libya và Iraq, bởi những biến động tại đây có thể bất ngờ “bóp nghẹt” thị trường dầu mỏ, vượt qua bất kỳ dự báo nào.
Ngoài ra còn có yếu tố môi trường liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu. Đối với các nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Âu, điều này đang thúc đẩy họ cố gắng tìm kiếm các ngành nghề kinh doanh sạch hơn và suy nghĩ kỹ về tương lai. Điều đáng lo ngại là các ngân hàng có thể bắt đầu hạn chế quyền tiếp cận vốn của các nhà sản xuất dầu.
Nguồn tin: sggp.org.vn/