Giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 0,4%, ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp nhờ nguồn cung toàn cầu được siết chặt hơn.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm trong phiên 22/3, song mặt hàng dầu này cần có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, khi động thái cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela khiến nguồn cung bị thắt chặt hơn.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI có tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Trong phiên giao dịch ngày 18/3, giá dầu WTI và dầu Brent đã vọt lên mức cao nhất trong năm 2019 chủ yếu nhờ kỳ vọng nguồn cung bị thắt chặt do động thái tiếp tục cắt giảm sản lượng từ OPEC cùng với các đồng minh.
Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy nguồn cung tại Mỹ bất ngờ giảm mạnh. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô nội địa bất ngờ sụt 9,6 triệu thùng trong tuần trước.
Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu hàng đầu OPEC, đã phát đi tín hiệu rằng nhóm OPEC+ có thể sẽ cần gia hạn quyết định thực hiện thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày sang nửa cuối năm 2019.
Sang phiên 19/3, giá "vàng đen" tiếp tục neo gần mức đỉnh kể từ đầu năm. Ngoài kỳ vọng OPEC+ kéo dài thời hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, một yếu tố nữa hỗ trợ giá dầu là số liệu từ Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API) cho hay dự trữ dầu thô của nước này giảm 2,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3, xuống 446,8 triệu thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ vượt ngưỡng 60 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20/3, sau khi EIA thông báo lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã bất ngờ giảm 9,6 triệu thùng, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2018 trong tuần trước đó. Tuy vậy, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong phiên ngày 21/3, giá dầu Brent đạt đỉnh 4 tháng ở mức 68,69 USD/thùng, còn giá dầu WTI đạt mức cao nhất kể từ đầu năm ở mức 60,39 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 22/3 trượt khỏi mức đỉnh kể từ tháng 11/2018 thiết lập trong phiên trước đó. Giới đầu tư đang lo ngại về tiến độ đàm phán thương mại Mỹ-Trung, trong khi những dữ liệu u ám về hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế chủ chốt của thế giới làm dấy lên mối lo về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu Brent giao sau hạ 0,83 USD/thùng, tương đương hơn 1,2%, còn 67,03 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI kết thúc ở mức giá 59,04 USD/thùng, giảm 0,94 USD/thùng, tương đương giảm gần 1,6%. Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent giảm 0,2%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 0,8% so với tuần giao dịch trước.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 20% do nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và đối tác gồm Nga. Ngoài ra, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela cũng gây gián đoạn nguồn cung dầu từ hai quốc gia thành viên OPEC này.
Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 20% do nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và đối tác gồm Nga.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu cũng bị hạn chế phần nào bởi đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa có kết quả cuối cùng và nền kinh tế toàn cầu gần đây phát đi thêm những dấu hiệu của sự giảm tốc.
Ông Jim Ritterbusch - Chủ tịch công ty Ritterbusch & Associates, nhận xét: "Dữ liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) gây thất vọng từ Đức và Pháp đã khiến giới đầu tư toàn cầu bán mạnh những tài sản rủi ro như chứng khoán và dầu”.
Theo một cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành, ba trong số bốn công ty của Nhật Bản cho rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài ít nhất cho đến cuối năm nay.
Ngoài ra, một nhân tố khác gây áp lực giảm lên giá dầu hiện nay là sản lượng khai thác dầu ở mức kỷ lục của Mỹ. Từ đầu năm 2018 đến nay, sản lượng dầu của nước này tăng thêm hơn 2 triệu thùng/ngày, đạt kỷ lục 12,1 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ vượt Nga và Ả Rập Saudi để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Do sản lượng dầu tăng mạnh, Mỹ đã nâng gấp đôi mức xuất khẩu dầu thô trong vòng 1 năm qua, lên mức hơn 3 triệu thùng/ngày. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo đến năm 2021, Mỹ sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu thô.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn·