Giá dầu thế giới lập mức đỉnh mới của 3 năm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/6), nhờ lạc quan về nhu cầu...
Giá dầu thế giới lập mức đỉnh mới của 3 năm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/6), nhờ lạc quan về nhu cầu tiêu thụ năng lượng sau khi Mỹ công bố một báo cáo tốt hơn dự kiến về thị trường lao động.
Có lúc giá dầu sụt giảm mạnh trong phiên này do thông tin Mỹ dỡ lệnh trừng phạt đối với một số quan chức ngành dầu lửa Iran. Sau đó, Bộ Tài chính Mỹ chính thức tuyên bố dỡ trừng phạt đối với ba cựu quan chức Iran và hai doanh nghiệp trước đây có tham gia giao dịch các sản phẩm hoá dầu của nước này. Một quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng hoạt động này chỉ mang tính “thường kỳ” và không liên quan gì đến cuộc đàm phán về khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran với các cường quốc.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này đã giảm tuần thứ 6 liên tiếp trong tuần kết thúc vào ngày 5/6. So với tuần trước đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần báo cáo giảm 9.000, còn 376.000 – con số thấp nhất kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch và tốt hơn so với dự báo.
Dữ liệu này đẩy cao lạc quan về đà phục hồi của kinh tế Mỹ cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tháng 5 ở nước này là 5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất 13 năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư tin rằng lạm phát tăng mạnh chỉ là vấn đề tạm thời và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,3 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, đạt 72,52 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,33 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, đạt 70,29 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ tháng 5/2019 và của dầu WTI kể từ tháng 10/2018.
Nếu tính từ đầu năm, giá dầu Brent hiện đã tăng hơn 42% và giá dầu WTI đã tăng khoảng 48%.
“Số liệu thất nghiệp và việc làm gần đây ở Mỹ chắc chắn là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi kinh tế đang được đẩy nhanh”, nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy nhận định. “Các hoạt động kinh tế gia tăng đồng nghĩa tiêu thụ năng lượng nhiều hơn. Nền kinh tế tốt lên là tiền đề cần thiết để tăng giao thông đường bộ và đường không”.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 6,6%, tương đương tăng 5,95 triệu thùng/ngày, trong năm nay. Đây là lần thứ hai liên tiếp, báo cáo hàng tháng của OPEC không thay đổi dự báo về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
“Giá dầu tiếp tục nhích lên cao hơn. Triển vọng nhu cầu tiếp tục mạnh lên và nguồn cung chưa chắc đuổi kịp”, nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận định.
Tuy nhiên, ông Kilduff cũng cho rằng thị trường “đang phản ánh một sự thắt chặt hoàn hảo” và điều này đồng nghĩa giá dầu có thể sụt giảm mạnh trở lại nếu có thêm nguồn cung dầu từ Iran hay liên minh OPEC+.
Theo các nhà phân tích, Iran có thể cung cấp khoảng 1-2 triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường thế giới nếu nước này đạt thoả thuận với các cường quốc và được dỡ lệnh trừng phạt.
Nguồn tin: VnEconomy