Trong phiên giao dịch ngày 18/12, giá dầu giảm hơn 2% khi nỗi lo dư cung trở lại và chịu tác động từ xu hướng bán tháo của thị trường chứng khoán thế giới.
Giá "vàng đen" ghi nhận phiên trượt dốc thứ 3 liên tiếp do chịu sức ép từ lượng tồn kho dầu mỏ của Mỹ tăng cao và sản lượng dầu kỷ lục tại Nga.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,36 USD, tương đương 2,7%, xuống còn 48,52 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Tuy nhiên, già dầu ngọt nhẹ sau đó phục hồi về mức khoảng 49,00 USD/thùng vào cuối phiên tại thị trường châu Á.
Giá dầu Brent Biển Bắc tiếp tục sụt 1,51 USD, tương đương 2,5%, xuống 58,61 USD/thùng.
Giá cả 2 mặt hàng dầu này đều giảm hơn 30% kể từ đầu tháng 10 trong bối cảnh dự trữ toàn cầu đang tăng, với dầu WTI hiện nay đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017.
Giá dầu lao dốc phiên thứ 3 liên tiếp do đà bán tháo của thị trường chứng khoán thế giới.
Nhà chiến lược gia hàng hóa Warren Patterson tại ngân hàng ING tại Amsterdam (Hà Lan) cho biết, nguyên nhân chính khiến giá dầu lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/12 là do sự bán tháo lan rộng trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Đặc biệt, theo chiến lược gia Patterson, hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về việc thị trường dầu toàn cầu sẽ sớm thắt chặt hơn sau quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga.
Một số nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC và các nhà sản xuất khác nhằm tái cân bằng thị trường.
Trước đó, OPEC và các đồng minh đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2019 và kế hoạch này sẽ được xem xét lại tại cuộc họp tháng 4/2019.
Bộ trưởng Năng lượng các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Suhail al-Mazrouei, nói với các phóng viên ở Dubai hôm 17/12 rằng thị trường dầu toàn cầu đang “điều chỉnh” và ông hy vọng “mọi người”sẽ cắt giảm nguồn cung theo thỏa thuận đã ký kết trước đó trong tháng này.
Tuy nhiên, OPEC và các đồng minh vẫn còn một nhiệm vụ rất khó nhằn. Sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ đang tăng dần, chiếm thị phần từ các nhà sản xuất dầu vùng Trung Đông thuộc OPEC và khiến việc cân bằng ngân sách của họ trở nên khó khăn hơn.
Dự trữ tại kho cảng chứa dầu WTI ở Cushing, Oklahoma tăng hơn 1 triệu thùng/ngày từ ngày 11-14/12, theo số liệu trích dẫn từ Công ty nghiên cứu thị trường Genscape.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu từ 7 khu vực đá phiến lớn nhất của Mỹ được dự kiến tăng lên 8,03 triệu thùng vào cuối năm nay, mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Bên cạnh đó, sản lượng dầu tại Nga được dự báo đạt mức kỷ lục 11,42 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2018.
Nỗi lo ngại ngày càng tăng về đà giảm tốc ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và châu Âu cũng tác động tiêu cực tới triển vọng nhu cầu đối với dầu mỏ và các loại tài sản khác.
Trong tháng 11/2018, thông lượng lọc dầu tại Trung Quốc giảm so với tháng 10/2018, qua đó cho thấy nhu cầu dầu đã giảm phần nào, trong khi đó sản lượng công nghiệp của nước này tăng yếu nhất trong gần 3 năm qua khi nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu chững lại.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn