Việc cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục mà OPEC + khởi xướng để ứng phó với nhu cầu và giá dầu sụp đổ đã giúp thị trường dầu ổn định trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, giá dầu đã bị mắc kẹt ở mức thấp của phạm vi 40s kể từ cuối quý II. Mặc dù đây là một sự cải thiện lớn - gấp đôi so với mức thấp được nhìn thấy vào tháng Tư – nhưng giá dầu 40 USD chỉ bằng một nửa mức giá mà nhiều thành viên OPEC, trong đó có nhà sản xuất hàng đầu và lãnh đạo thực tế là Saudi Arabia, cần để cân đối ngân sách của họ.
OPEC và đối tác quan trọng ngoài OPEC là Nga cần giá dầu cao hơn 40 USD để hỗ trợ cho nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của họ, vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái do đại dịch gây ra.
Tuy nhiên, giá vẫn tiếp tục ngoan cố giữ trong một biên độ hẹp kể từ tháng 6, sau khi các dấu hiệu bắt đầu cho thấy rằng nhu cầu dầu toàn cầu - mặc dù đang hồi phục – nhưng không phục hồi đủ nhanh để đảm bảo giá cao hơn.
Đồng thời, OPEC + đang nới lỏng cắt giảm sản lượng và vẫn chưa (nếu có) đưa tất cả các nhà sản xuất tham gia tuân thủ hoàn toàn hạn ngạch của họ.
Nguồn cung gia tăng cùng với sự phục hồi của nhu cầu chững lại hiện đang đẩy thị trường vào tình trạng thừa cung, khi thị trường giao ngay suy yếu và cơ cấu contango mở rộng trên thị trường dầu kỳ hạn cho thấy.
OPEC một lần nữa lại bị kẹt giữa hai sự lựa chọn đầy khó khăn.
Liệu OPEC có nên tiếp tục với việc cắt giảm, với hy vọng rằng nhu cầu sẽ phục hồi trong năm tới, mà chịu đựng giá dầu thấp trong thời gian dài dù cho gây ảnh hưởng đến ngân sách của OPEC?
Hay là nên điều chỉnh chiến lược sản xuất một lần nữa để sản xuất ít hơn khi đại dịch tiếp tục làm giảm việc đi lại và hoạt động kinh tế ở các quốc gia tiêu thụ dầu lớn, do đó phải hy sinh thị phần dài hạn với danh nghĩa thúc đẩy giá dầu trong ngắn hạn?
Theo ông Robin Mills, giám đốc điều hành công ty tư vấn năng lượng Qamar Energy và là tác giả của The Myth of the Oil Crisis, OPEC + nên tìm cách cân bằng giữa giá ngắn hạn cao hơn với thị phần dài hạn nhiều hơn.
Chiến lược rút lui
Một hành động cân bằng như vậy nói thì dễ hơn làm. Giá hiện tại thấp hơn nhiều so với mức dễ chịu đối với bất kỳ nhà sản xuất dầu nào trong thỏa thuận. Nhưng việc quay trở lại cắt giảm sâu hơn để giúp thị trường tái cân bằng nhanh hơn và xoay chuyển tâm lý giảm giá trong những tuần gần đây sẽ đồng nghĩa với việc mất thêm thị phần, việc này có khả năng đẩy giá lên mức mà đá phiến của Mỹ sẽ khôi phục được nhiều sản lượng hơn.
Cứ cho là như vậy, lần này OPEC + đã vạch ra một chiến lược rút lui trung hạn cho đến tháng Tư năm 2022. Mức cắt giảm hiện tại là 7,7 triệu thùng/ngày, giảm từ 9,7 triệu thùng/ngày, dự kiến sẽ giảm thêm nữa từ tháng 1 năm 2021 xuống 5,8 triệu thùng/ngày, duy trì hiệu lực đến hết tháng Tư năm 2022.
Với những bằng chứng chồng chất cho thấy sự phục hồi nhu cầu đã bị đình trệ và nhu cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu máy bay, có thể sẽ không trở lại mức trước khủng hoảng cho đến năm 2023, ngày càng có nhiều suy đoán về việc liệu OPEC + có thể cần hoặc không cần xem xét lại thỏa thuận để giúp thị trường tái cân bằng và từ đó, hỗ trợ giá.
Mức giá 40 USD là quá thấp đối với OPEC +
Lập luận thuyết phục nhất ủng hộ chiến lược cắt giảm sâu hơn có thể là từ thực tế tất cả các nền kinh tế OPEC +, từ Ả Rập Xê-út, Kuwait đến Nga và Kazakhstan, đều phải chịu tổn thất do giá dầu thấp như hiện nay.
Ả Rập Saudi thâm hụt quý 2 ở mức 29 tỷ USD do giá dầu và nhu cầu dầu tiếp tục giảm. Nước này đã tăng gấp ba lần thuế giá trị gia tăng (VAT) và tạm dừng các khoản trợ cấp sinh hoạt phí như một phần trong các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới nhằm tiết kiệm tài chính. Việc tiết kiệm ngân sách 26,6 tỷ đô la Mỹ (100 tỷ riyals Ả Rập Xê Út) cũng bao gồm việc Vương quốc này hủy bỏ, gia hạn hoặc hoãn một số chi tiêu hoạt động và vốn cho một số cơ quan chính phủ, cũng như giảm dự phòng cho một số chương trình và dự án lớn trong năm nay. Kuwait đang hết tiền trả lương cho công chức và sẽ không có tiền để trang trải những khoản này sau tháng 11 trừ khi giá dầu được cải thiện đáng kể. Tổng thống Nga Vladimir Putin thích giá cao hơn 46 USD/thùng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các bên tham gia hiệp ước OPEC + cần giá dầu cao hơn 40 USD.
Nhưng họ sẽ cần những tin tức tích cực từ phía cầu để tăng tốc độ tái cân bằng thị trường. Những ngày này, không có tin tức tích cực về nhu cầu và thị trường đã phản ứng qua giá dầu thô Brent giảm trong tuần này xuống dưới 40 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng Sáu.
Nhưng thị phần dài hạn có thể quan trọng hơn
Mặc dù các nhà đầu cơ giá lên trên thị trường (và ngân sách OPEC +) rất cần tái cân bằng thị trường sớm hơn là muộn hơn, nhưng Ả Rập Saudi được cho là vẫn tiếp tục cắt giảm sản lượng bất chấp xu hướng giá dầu gần đây, tờ Financial Times đưa tin hôm thứ Tư, trích dẫn năm nguồn tin mà họ đã tóm tắt kế hoạch của Vương quốc này. Nguồn tin của FT cho biết: Mặc dù sự lao dốc của giá trong tuần này đang gây ra lo ngại - nhưng không phải là hoảng sợ - ở Ả Rập Xê Út, nhà lãnh đạo OPEC không thấy cần phải cắt giảm sâu hơn, vì sợ rằng nước này sẽ mất thị phần vào tay các nhà sản xuất khác.
Thị phần chắc chắn luôn nằm trong sự quan tâm của OPEC +, theo nhận định tuần này của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, người nói rằng “Việc giành lại thị phần càng sớm càng tốt sẽ là vô cùng quan trọng đối với Nga và các nhà sản xuất dầu khác, và thậm chí là tăng thị phần, khi nhu cầu quay trở lại mức trước khủng hoảng”.
OPEC hy vọng vào việc đá phiến Mỹ đạt đỉnh vào những năm 2020 để giành lại thị phần, nhưng đại dịch và sự thúc đẩy hướng tới năng lượng cacbon thấp khiến nhóm này lo ngại rằng cuộc khủng hoảng có thể đã đẩy nhanh tiến độ của nhu cầu dầu đạt đỉnh.
Tuy nhiên, việc tập trung vào thị phần có thể đồng nghĩa với việc OPEC + sẽ phải từ bỏ nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn, buộc họ phải gánh thêm nhiều khoản nợ, đẩy mạnh thắt lưng buộc bụng và khai thác sâu hơn vào các quỹ đầu tư quốc gia để bù đắp thiếu hụt ngân sách.
Với việc tái cân bằng thị trường dầu bị đẩy lùi cùng với nhu cầu phục hồi chậm hơn, OPEC phải đối mặt với tình thế khó xử giống như trước - liệu nỗi đau trong ngắn hạn có mang lại lợi ích cho dài hạn?
Nguồn tin: xangdau.net