Tuần qua là thời điểm tồi tệ nhất đối với thị trường dầu mỏ kể từ tháng 5/2019, khi giá dầu Brent có lúc hạ xuống mức thấp kỷ lục 61,35 USD/thùng do thị trường phản ứng tiêu cực với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đình trệ và viễn cảnh suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.
Giá dầu không bị tác động bởi sự cố trên eo biển Hormuz
Mọi chuyện thay đổi nhanh chóng sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh với lý do vi phạm luật hàng hải quốc tế. Thị trường bắt đầu xuất hiện những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung “vàng đen”, song trên thực tế, giá dầu Brent đến nay cũng chỉ tăng nhẹ và hiện dao động quanh ngưỡng 63,5 USD/thùng trên thị trường châu Á.
Sự cố đối với tàu chở dầu Stena Impero xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ-Iran và một số vụ tấn công phá hoại diễn ra trước đó nhằm vào các tàu chở dầu gần khu vực Eo biển Hormuz. Khu vực này giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động vận chuyển dầu mỏ, với khoảng 20% sản lượng “vàng đen” toàn cầu đi qua tuyến hàng hải này. Hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua khu vực này trở nên đắt đỏ hơn khi an ninh được tăng cường và chi phí bảo hiểm tăng lên. Vậy đâu là lý do khiến giá dầu thô chỉ tăng 3,2% giữa điểm thấp nhất của tuần trước và mức trung bình trong các phiên giao dịch tại thị trường châu Á đầu tuần này?
Chuyên gia cho rằng dầu mỏ không còn là “phong vũ biểu” quan trọng đối với những căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Thứ nhất, dù vẫn là “rốn dầu” của thế giới, Trung Đông đã mất đi vị thế tương đối là nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt. Cuộc cách mạng đá phiến ở Mỹ đã đưa nước này vươn lên là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, theo sau là Nga và Saudi Arabia. Thứ hai, thị trường cũng đã liên tục điều chỉnh để thích ứng với những quan điểm về rủi ro địa-chính trị. Lịch sử đã chứng minh khi khủng hoảng kết thúc hoặc “bong bóng khủng hoảng” vỡ thì mọi chuyện sẽ dần rơi vào trạng thái bình thường hóa. Thứ ba, xu hướng suy giảm tỷ trọng của dầu mỏ đối với các nguồn năng lượng khác đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Bên cạnh đó, các mục tiêu chống biến đổi khí hậu cũng như sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ môi trường sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng không phát thải khí CO2.
Trong ngắn hạn, giá dầu thế giới có thể sẽ vẫn tăng cho đến khi xảy ra một sự kiện mới ảnh hưởng tới tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư. Sự thật là giá dầu đã không còn phản ánh đúng tình hình căng thẳng ở Trung Đông, song thế giới sẽ không thể phủ nhận tầm quan trọng của Eo biển Hormuz cũng như sự ổn định và an ninh chiến lược của khu vực này.
Nguồn tin: baohaiquan.vn