Giá dầu hôm nay (31/7) quay đầu tăng, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại Mỹ.
Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở ngưỡng 40,26 USD/thùng - tăng 0,85%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 43,3 USD/thùng - tăng 0,84%.
Cả hai hợp đồng dầu WTI và Brent đều không có nhiều biến động sau khi tăng vọt vào thứ Tư (29/7), trong bối cảnh Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo mức giảm mạnh 10,6 triệu thùng trong kho dự trữ dầu thô vào tuần trước.
Tuy nhiên, cùng lúc các kho dự trữ xăng và chưng cất của Mỹ, bao gồm dầu diesel và dầu nóng, cả hai đều tăng so với kỳ vọng hàng tồn kho giảm. Điều này làm các nhà sản xuất lo ngại về dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.
Cụ thể, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt tăng lần lượt 654.000 thùng và 503.000 thùng. Trong khi đó, nhu cầu xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 9% và 11,1% so với cùng kì năm ngoái.
Mặc dù giá dầu tăng trở lại tuy nhiên các nhà phân tích nhận định thị trường vẫn chịu nhiều sức ép lớn.
Sản lượng dầu toàn cầu vượt nhu cầu trong 5 tháng đầu năm, trong khi tồn kho toàn cầu trong tháng 6 giảm 2,2 triệu thùng/ngày. Tháng 7, tháng cuối cùng thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng, cũng được dự báo sẽ kết thúc tình trạng cầu vượt cung đáng ngạc nhiên ở mức 1,9 triệu thùng/ngày.
Giới phân tích cho rằng, giá dầu thị trường bất ổn định trong tuần do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đang tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt là Mỹ.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) sẽ tăng sản lượng vào tháng 8, bổ sung khoảng 1,5 triệu thùng/ngày cho nguồn cung toàn cầu.
Trưởng phòng nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, Bjornar Tonhaugen cho biết: "Việc OPEC tăng sản lượng từ tháng 8 có thể gây tác dụng ngược vì nhu cầu dầu vẫn yếu. Thị trường chất lỏng nói chung sẽ quay trở lại tình trạng thừa cung và tình trạng thiếu hụt sẽ không xảy ra cho đến tháng 12/2020".
Nguồn tin: petrotimes.vn