Niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu cộng với những dự báo lạc quan về giá dầu trong năm 2022 tiếp tục hỗ trợ giá dầu hôm nay duy trì đà tăng mạnh.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 29/12, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 76,19 USD/thùng, tăng 0,21 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 28/12, giá dầu WTI giao tháng 2/2022 đã tăng 0,31 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2022 đứng ở mức 79,32 USD/thùng, tăng 0,38 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 0,57 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 28/12.
Giá dầu ngày 29/12 duy trì đà tăng mạnh trong bối cảnh thị trường dầu thô tiếp thục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu.
Sau rất nhiều nghi ngại, qua quá trình nghiên cứu, thống kê dữ liệu, biến thể Omicron đã được giới khoa học, các nhà quản lý... lên tiếng khẳng định không nguy hiểm như các cảnh báo được đưa ra trước đó. Thậm chí, nhiều kết quả còn cho thấy biến thể Omicron còn không nguy hiểm bằng các biến thể trước đó và sự xuất hiện của nó là dấu hiệu báo hiệu khả năng đại dịch Covid-19 sắp chấm dứt.
Tiếp sau một loạt các tuyên bố khẳng định về tính hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19 đối với biến chủng Omicron, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đơn vị điều chế ra vaccine Sputnik V của nước này đã báo cáo với ông rằng, chế phẩm này có thể vô hiệu hóa được biến chủng Omicron.
Niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế năm 2022 tiếp tục được gia tăng khi các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy các nền kinh tế lớn vẫn đang duy trì trạng thái phục hồi tốt, bất chấp việc chịu sự tác động mạnh của biến thể Omicron.
Dữ liệu vừa được Nhật Bản công bố cũng cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này đã trưởng tốt hơn mong đợi, đạt mức 7,2% so với tháng 11/2021.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cũng đưa dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể đạt 4,9%, trong khi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London (Anh) thậm chí còn cho rằng tổng giá trị nền kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử, sớm hơn dự báo 2 năm.
Triển vọng kinh tế 2022 cũng được hỗ trợ tích cực bởi các nước đang tập trung đẩy mạnh tiêm các mũi vắc-xin Covid-19 tăng cường cho người dân, qua đó càng làm giảm các nguy cơ về dịch bệnh, tăng cơ hội mở cửa trở lại, khai thông các nút thắt về chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu dùng toàn cầu...
Giá dầu hôm nay cũng được thúc đẩy mạnh bởi những lo ngại về một cuộc khủng hoảng, thiếu thụt năng lượng kéo dài ở châu Âu khi mà vấn đề cốt lõi của đợt tăng giá khí đôt lên mức kỷ lục tại khu vực là vấn đề nguồn cung vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài ra, tâm lý thận trọng của OPEC+ trong việc đưa ra các quyết định điều chỉnh sản lượng cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu đi lên.
Với kịch bản lạc quan, Bank of America đã đưa dự báo giá dầu năm 2022 có thể lên mức 85 USD/thùng khi kinh tế và thương mại phục hồi, trong khi lượng dự trữ thấp và thiếu công suất dự phòng.
Đối với năm 2022, Bank of America dự báo tiêu thụ dầu thô sẽ đạt 99,53 triệu thùng/ngày, so với 96,2 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.550 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 23.295 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.579 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 16.518 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.745 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes