Lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng có thể kéo dài đến mùa hè 2022 khi Nord Stream 2 khó được thông qua trong nửa đầu năm 2022 đã đẩy giá dầu hôm nay vụt tăng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/12, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 75,88 USD/thùng, tăng 0,31 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 27/12, giá dầu WTI giao tháng 2/2022 đã tăng tới 2,57 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2022 đứng ở mức 78,75 USD/thùng, tăng 0,15 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 2,47 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 27/12.
Giá dầu ngày 28/12 tăng vọt nhờ triển vọng tiêu thụ dầu trong dài hạn nhận được nhiều tín hiệu tích cực.
Lo ngại về dịch bệnh Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron tiếp tục hạ nhiệt khi các nghiên cứu cũng như kết quả thực tế cho thấy biến thể này không gây nguy hiểm như các biến thể đã xuất hiện trước đó. Các loại vắc-xin hiện đang có trên thị trường cũng được khẳng định có tác dụng với biến thể này.
Mặc dù tốc độ lây lan dịch bệnh đang diễn ra khá nhanh nhưng nhiều quốc gia đã tuyên bố sẽ không đóng cửa nền kinh tế, hoặc mở rộng các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như hoạt động đi lại.
Nguồn cung khí đốt từ Mỹ sang châu Âu trên các tàu chở khí đốt đã giúp hạ nhiệt giá khí đốt ở lục địa già nhưng có vẻ như là không đủ và chỉ là câu chuyện trước mắt, trong ngắn hạn.
Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu là rất lớn khi Nga hạn chế các nguồn cung cấp. Triển vọng cải thiện tình trạng này cũng hết sức u ám khi trong diễn biến mới nhất, Đức cho biết đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 của Nga sẽ không được thông qua vào nửa đầu năm 2022. Điều này có nghĩa châu Ấu vẫn sẽ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lớn cho đến ít nhất là hè 2022.
Áp lực nguồn cung khí đốt ở châu Âu càng trở lên khó khăn hơn khi tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine tiếp tục gia tăng có thể kéo theo các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ nhắm vào Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/12 cho biết Liên minh châu Âu (EU) chỉ có thể trách chính khối này khi giá khí đốt tăng vọt lên mức kỷ lục. Đồng thời, ông cho rằng, một số thành viên của EU đã bán lại khí đốt giá rẻ của Nga với giá cao hơn nhiều cho các nước khác.
Ở diễn biến mới nhất, quân đội Nga đã hiện diện ở biên giới Ukraine đã làm gia tăng các lo ngại trên.
Và khi các hầm chứa khí đốt cạn kiệ do nhu cầu khí đốt dùng cho sưởi ấm trong mùa đông tăng cao, một cuộc khủng hoảng, thiếu hút năng lượng trầm trọng có thể sẽ xảy ra. Giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng cao và điều này sẽ là động lực lớn thúc đẩy giá dầu đi lên.
Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy bởi các nhu cầu đi lại, sản xuất hàng hoá phục vụ mua sắm của người dân tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, khi các nước này bước vào mùa lễ hội cuối năm.
Hiện thị trường dầu thô đang hướng sự chú ý đến cuộc họp sản lượng của OPEC+ vào ngày 4/1/2022 để có thêm các dữ liệu để đánh giá triển vọng tiêu thụ cũng như nguồn cung.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.550 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 23.295 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.579 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 16.518 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.745 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes