Căng thẳng địa chính trị ở Ukraine leo thang kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh nhắm vào Nga đã kéo giá dầu hôm nay đi lên, bất chấp đồng USD mạnh hơn cộng với tâm lý chốt lời của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh nguồn cung dầu được kỳ vọng sẽ sớm cải thiện.
Ghi nhận vào 9 giờ sáng ngày 23/2/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 91,97 USD/thùng, tăng 0,06 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 96,84 USD/thùng, tăng 0,02 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 23/2 có xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh lo ngại căng thẳng địa chính trị ở Ukraine có thể làm nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá nhiều loại năng lượng tăng cao.
Giá dầu hôm nay tăng còn do thị trường dầu thô vẫn đang ghi nhận động lực tăng giá vẫn rất lớn, đặc biệt là giá khí đốt tự nhiên duy trì đà tăng mạnh trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở châu Âu.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 22/2, giá dầu thô đã tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Ukraine leo thang khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.
Tuyên bố này đã gây ra những phản ứng mạnh từ Mỹ và các nước phương Tây, trong đó Mỹ đã có thông báo về đợt trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga khi cấm các cá nhân Mỹ buôn bán và đầu tư với hai vùng ly khai nói trên.
Tiếp sau Mỹ, Reuters đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 22/2 đã quyết định "đóng băng" việc phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Đây là dự án trị giá 11 tỷ USD nhằm chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Động thái của Đức diễn ra sau khi Nga hôm qua công nhận 2 vùng ly khai thuộc Donbass ở Đông Ukraine.
Thủ tướng Boris Johnson ngày 22/2 trong phát biểu trước Quốc hội Anh cũng cho biết sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên năm ngân hàng và ba cá nhân Nga.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu hôm nay là khá hạn chế khi mà tình hình căng thẳng ở Ukraine có thể đẩy giá năng lượng tăng cao nhưng đồng thời cũng có thể đẩy lạm phát phi mã và đặt kinh tế toàn cầu vào trạng thái suy thoái. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô sẽ giảm.
Ngoài ra, giá dầu cũng đang chịu đồng USD mạnh hơn và nhiều nhà đầu tư thực hiện các giao dịch chốt lời sau khi giá dầu tăng mạnh trong phiên 22/2, đặc biệt khi kỳ vọng nguồn cung dầu sẽ được cải thiện khi các lệnh trừng phạt đối với hoạt động sản xuất dầu của Iran được gỡ bỏ ngày một lớn.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 25.532 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 26.287 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.801 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 19.509 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.932 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes