Giá dầu thế giới hôm nay (2/1) tăng trở lại. Các nhà phân tích dự đoán giá dầu thế giới có thể chạm mức gần 80 USD/thùng trong năm 2024.
Ảnh minh họa |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/1 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2024 ở mức 72,42 USD/thùng, tăng 0,77 USD trong phiên và tăng 1,09 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 31/12.
Giá dầu Brent giao tháng 3/2024 đứng ở mức 78,04 USD/thùng, tăng 1 USD trong phiên và tăng 1,14 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 31/12.
Giá dầu thế giới hôm nay (2/1) tăng trở lại. Các nhà phân tích dự đoán giá dầu thế giới có thể chạm mức gần 80 USD/thùng trong năm 2024.
Nhu cầu dầu từ Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vẫn chưa phục hồi trong bối cảnh kinh tế nước này suy thoái. Những lo ngại về nhu cầu do nền kinh tế toàn cầu yếu hơn và tồn kho dầu thô tăng ở Mỹ đã khiến giá dầu thô giảm trong tháng 11 và 12/2023.
Theo nhà phân tích cấp cao Saumil Gandhi thuộc HDFC Securities: “Các yếu tố như lo ngại về nhu cầu và việc một số quốc gia tăng sản lượng dầu thô sẽ gây áp lực lên giá. Hiện nay, cung đang cao hơn cầu. Trong nửa đầu năm 2024, chúng tôi dự đoán giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 60-65 USD/thùng (dải thấp hơn) và 85-90 USD/thùng (dải cao hơn)”.
Các chuyên gia nhận định, những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông có thể khiến dầu thô tăng giá. Prashant Vasisht, Phó chủ tịch kiêm đồng Giám đốc Corporate Ratings, ICRA cho biết, sự lan rộng của các cuộc xung đột có thể hỗ trợ giá dầu và trong quý I/2024, giá dầu thô dự kiến sẽ duy trì ở mức 75-80 USD/thùng.
Sau khi Nigeria tuyên bố rời nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), ngày 1/1, Cơ quan quản lý dầu thượng nguồn của nước này đã công bố mục tiêu sản xuất dầu và khí ngưng tụ hàng năm là 2,6 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2026, một bước nhảy đầy tham vọng từ mức khoảng 1,6 triệu thùng/ngày của năm 2023.
Chính phủ của Tổng thống Bola Tinubu cho biết, các công ty dầu mỏ lớn đã cam kết đầu tư 13,5 tỷ USD trong thời gian ngắn sau cuộc gặp của ông với các giám đốc điều hành cấp cao của TotalEnergies (TTEF.PA) Shell (SHEL.L) và Exxon Mobil (XOM.N).
Là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi, Nigeria đã phải chịu sản lượng sụt giảm do trộm cắp dầu thô và phá hoại đường ống ở đồng bằng Niger cũng như đầu tư vào lĩnh vực này thấp, ảnh hưởng đến doanh thu của chính phủ.
Ủy ban điều tiết dầu mỏ thượng nguồn Nigeria (NUPRC) cho biết trong kế hoạch hành động 2024-2026 rằng họ sẽ chỉ đạo phát triển tài sản dầu mỏ đến các khu vực ít bị trộm cắp và phá hoại hơn, đồng thời cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các tuyến sơ tán dầu thô thay thế.
Sự sụp đổ đột ngột trong mối quan hệ năng lượng kéo dài hàng thập niên của Đức với Nga sau cuộc chiến tại Ukraine vào tháng 2/2021 của Moscow đã khiến Đức phải tranh giành nguồn cung và làm chậm lại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khiến nước này rơi vào suy thoái vào năm ngoái.
Người đứng đầu công ty năng lượng E.ON (EON.UL) cho biết, tình hình cung cấp khí đốt của Đức tốt hơn nhiều so với trước đây sau khi Nga cắt nguồn cung vào mùa đông năm ngoái nhưng bất ổn ở Trung Đông vẫn có thể khiến giá năng lượng tăng vọt.
Giá dầu trong năm 2024 dự kiến cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cắt giảm lãi suất. Các nhà đầu tư đang đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, tuy nhiên, lạm phát có thể rất khó kiểm soát và có xu hướng tái phát ngay cả khi nó dường như đã giảm dần.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.186 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 22.148 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.788 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 20.457 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.685 đồng/kg.
Nguồn tin: PetroTimes