Giá dầu hôm nay 15/8 giảm dù cả dầu Brent và WTI đều vừa trải qua một tuần ghi nhận xu hướng tăng giá.
Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 91,7 USD/thùng - giảm 0,42%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 97,71 USD/thùng - giảm 0,45%.
Trong tuần qua, chuẩn dầu Brent đã tăng 3,4% sau khi giảm 14% vào tuần trước đó do lo ngại rằng lạm phát và lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về nhiên liệu, trong khi chuẩn dầu WTI cũng tăng 3,5%.
Khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân Iran mở ra triển vọng nguồn cung, lạm phát ở Mỹ đang được kiềm chế, dự trữ dầu của Mỹ tăng trong khi dự trữ xăng giảm, tăng trưởng việc làm ở Mỹ, sự biến động của đồng USD, dòng chảy qua đường ống Druzhba từ Nga đến châu Âu tạm ngưng là những vấn đề tác động đến sự tăng-giảm của giá dầu trong tuần này.
Việc lạm phát “hạ nhiệt” tại Mỹ có thể làm giảm tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hỗ trợ giá dầu nhích dần trở lại mốc 100 USD/thùng. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 7 tăng 8,5%, thấp hơn so với dự báo 8,7% của các chuyên gia kinh tế, đồng thời cũng thấp hơn mức tăng "đỉnh" 9,1% của tháng 6 do chi phí xăng dầu giảm. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ giảm so với tháng trước đó chứng tỏ những biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát leo thang mạnh nhất trong vòng 2 năm qua đã phát huy tác dụng. Điều này cũng góp phần làm tăng giá các tài sản rủi ro như cổ phiếu, trong khi đồng USD giảm hơn 1% so với rổ tiền tệ.
Theo Eli Tesfaye, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures ở Chicago sức tăng giá trên thị trường không nhiều vì thế, sự giảm giá của đồng USD chỉ làm giá dầu tăng nhẹ.
Tuần vừa qua cũng ghi nhận quan điểm nhu cầu trái ngược giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khi IEA nâng triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu cho cả năm 2022, còn OPEC lại hạ dự báo.
Chốt tuần, cả hai chuẩn dầu vẫn ghi nhận xu hướng lao dốc.
Nguồn tin: PetroTimes