Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu hỏa thất thường, chuyện gì đã xảy ra?

Vào mùa hè năm 2008 giá dầu hỏa gần đạt đỉnh điểm 150 USD/thùng. Năm tháng sau, giá dầu lại rơi xuống khoảng 60 USD/thùng! Tại sao giá dầu trồi sụt như con lật đật? Và ai đã nắm kéo sợi dây này?
 
Cơn sốt dầu mùa hè chỉ diễn ra trước cơn “địa chấn” tài chính tháng 9-2008 vài tuần. Người ta nghĩ chúng có cùng nguồn gốc: đầu cơ. Thật ra từ năm 2007, khi bất động sản và chứng khoán có những dấu hiệu suy yếu, nhiều nhà đầu tư đã chuyển dịch tài sản của mình vào các loại nguyên liệu xem ra chắc chắn hơn, trong đó có dầu hỏa. Pierre Terzian, giám đốc tạp chí Pétrostratégie, kể lại: “Chỉ trong vài tháng giá dầu tăng gấp đôi, không có lý do nào cả! Nguyên nhân duy nhất chỉ là đầu cơ”. Arjun N. Murti - nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs tại New York, một trong các chuyên gia uy tín nhất kể từ tháng 3-2005 - đã tiên đoán giá dầu sẽ lên đến 105 USD/thùng trong lúc nó vẫn còn 57 USD/thùng!
 
Ngày 5-5-2008, ông dự đoán giá dầu sẽ tăng vọt 150 USD, thậm chí 200 USD/thùng trong vòng 6-24 tháng sắp đến. Và ngày 8-5, giá dầu đã lên 125 USD/thùng! Jean-Marie Chevalier, giám đốc Trung tâm Địa chính năng lượng và nguyên liệu, kể lại: “Nhiều người đã mua một lượng lớn dầu và tung ra tin đồn giá sẽ còn tăng nữa. Họ đã bịp bợm và chờ đợi khi giá lên đến 147,27 USD vào ngày 11-7-2008 đã bán ra... sạch sẽ”. Nói cách khác, một số người khôn lỏi đã kiếm được rất nhiều tiền, nhưng cũng đã kéo sập giá dầu và làm những “người chơi” sau... đại bại!
 
Tuy nhiên dưới con mắt các nhà phân tích, việc “bọt khí dầu hỏa” này vỡ tung chỉ là hiện tượng phụ. Họ nhắc nhở: giá đã bắt đầu leo thang trước khi bọn đầu cơ nhập cuộc. Yves Mathieu thuộc Viện Dầu hỏa Pháp (IFP) nhấn mạnh: “Từ năm 2003, giá dầu đã gia tăng gấp ba lần!”. Và nếu chúng ta gặp phải một “cú sốc dầu hỏa” nữa thì nguyên nhân còn sâu xa hơn đầu cơ.
 
Muốn hiểu phải ngược thời gian trở về năm 1945, khi đó thị trường dầu hỏa chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Họ là quốc gia sản xuất chủ lực (60% sản lượng thế giới) và cũng là quốc gia tiêu thụ dầu mạnh nhất. Châu Âu khi đó vẫn còn chạy than. Công nghiệp dầu hỏa đều do các công ty Mỹ thống trị. Ba tập đoàn lớn nhất là Exxon, Mobil (nay đã sáp nhập) và Socal (nay trở thành Chevron - Texaco).
 
Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, các “đại ca” này đi chinh phục những vùng đất mới có nhiều dầu và dễ dàng khai thác hơn, nhất là vùng Cận Đông. Nhưng họ vẫn khống chế toàn diện từ khâu khai thác đến vận chuyển, từ tinh lọc đến phân phối. Từ đó, giá dầu thô do các công ty này độc quyền quyết định. Bởi thế, lợi ích của các “đại ca” là giữ cho giá dầu rẻ để kích thích các quốc gia công nghiệp hóa chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng này.
 
Vấn đề trở nên phức tạp khi các quốc gia sở hữu dầu đòi được chia phần nhiều hơn. Năm 1950, Saudi Arabia giành được thỏa thuận chia lợi nhuận 50/50 từ công ty dầu hỏa Mỹ Aramco. Năm 1960, năm quốc gia sản xuất dầu hỏa chủ chốt là Iraq, Iran, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela thành lập Tổ chức Các nước sản xuất dầu hỏa (OPEC) để bảo vệ quyền lợi chung.
 
Đến thập niên 1970, Algeria, Libya và Iraq quốc hữu hóa mỏ dầu của các “đại ca” và thay vào đó là các công ty dầu quốc gia riêng của mình. OPEC tìm được ở cuộc chiến tranh Kippour năm 1973 cơ hội để khẳng định sức mạnh của mình. Quân Ai Cập và Syria tấn công Israel để lấy lại các lãnh thổ bị chiếm đóng năm 1967. Tổ chức dầu hỏa này ngưng cung cấp dầu cho đồng minh của Do Thái. Lần đầu tiên họ quyết định giảm sản lượng và định ra giá dầu thô theo quyền lợi riêng của mình, giống như các “đại ca” trước kia.
 
Cuộc “chấn động dầu hỏa lần thứ nhất” đã làm giá dầu tăng gấp bốn lần (từ 2,5 USD/thùng lên 11 USD/thùng). Năm 1979, cuộc cách mạng tại Iran rồi đến chiến tranh Iran - Iraq đã làm sản lượng dầu sụt giảm đáng kể. Hậu quả nhãn tiền: giá dầu từ 14 USD (1978) tăng lên 35 USD (1981), tương đương với trị giá 105 USD của ngày hôm nay. Đó là “chấn động dầu hỏa lần thứ hai”.
 
Trung Quốc ngày nay tiêu thụ 10% sản lượng dầu thế giới
 
Vượt qua cơn đau thương này, dầu hỏa trở lại bình thường. Dần dần giá dầu không do các nước sản xuất độc quyền ấn định nữa mà còn do các nguồn cung cấp khác và nhu cầu của khách hàng. OPEC từ nay bằng lòng duy trì giá bán và điều chỉnh sản lượng tùy theo nhu cầu. Sự ổn định này được bảo đảm bằng việc nguồn cung của các quốc gia sản xuất luôn cao hơn nhu cầu của các nước tiêu thụ. Để tác động trực tiếp trên giá dầu, OPEC có một công cụ điều khiển: “gia giảm sản lượng”. Họ có thể bơm thêm dầu vào thị trường hay hút bớt để làm thay đổi giá cả.
 
Lần tăng giá mới diễn ra năm 2003 đã không do OPEC gây ra? Không như hai lần tăng giá trước, lần này lại lệ thuộc nhiều yếu tố hơn và khó kiểm soát hơn. Trong suốt thập niên 1990, giá dầu ổn định ở mức 20 USD/thùng. Nhưng khi Mỹ xâm chiếm Iraq đã làm sản lượng dầu sụt giảm mạnh vì mất an ninh, các nhà máy bị phá hoại và hợp đồng khai thác với các công ty đa quốc gia khác bị cắt đứt. Mấy tháng trước đó, một cuộc đình công tại Venezuela đã làm tê liệt 1/3 sản lượng dầu.
 
Giảm cung kéo theo nhu cầu trên thế giới tăng vọt. Nguyên nhân ở các quốc gia mới xuất hiện: Trung Quốc gia tăng gấp đôi nhu cầu dầu trong vòng tám năm. Ngày nay họ tiêu thụ 10% sản lượng dầu thế giới, đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ. Tương tự, Ấn Độ cũng “chiếm mất” 3,5%! Nhu cầu tăng cao đến mức khả năng sản xuất của tất cả các nước, kể cả OPEC, với hết công suất cũng chỉ vừa đủ. Giá tự động “bay lên”: 24 USD/thùng năm 2002 lên 50 USD/thùng năm 2005. Và chỉ cần một chút biến cố cũng đủ làm nó gia tốc hơn nữa. Chẳng hạn trận bão Katrina năm 2005 đã làm hỏng nhiều nhà máy lọc và giàn khoan dầu trong vịnh Mexico, nơi đặt đại bản doanh của các “đại ca” Mỹ.
 
Để ngăn chặn đà giảm giá, OPEc quyết định giảm sản lượng
 
OPEC ngày nay mở rộng thành 11 quốc gia: Iran, Iraq, Kuwait, Qatar, UAE, Algeria, Libya, Nigeria, Angola, Venezuela và Ecuador, nhưng đã... mất sức mạnh! Dù chiếm đến 3/4 trữ lượng dầu hỏa toàn cầu nhưng nó chỉ có 40% sản lượng. Có lúc còn rơi xuống dưới 30% khi giá dầu tăng cao đã khiến các vùng khác như vịnh Guinea, Mexico, biển Bắc... lao vào khai thác ồ ạt. Các quốc gia tiêu thụ và công ty đa quốc gia đi tìm những nguồn cung ứng khác.
 
Ngày nay, trong thực tế chỉ còn Saudi Arabia sử dụng đòn bẩy thông thường để can thiệp giá dầu: gia tăng hay giảm bớt sản lượng. Điển hình là tháng 7-2008. Sau khi giá dầu tăng vọt, họ đã tăng sản lượng lên 200.000 thùng/ngày mà người ta nói là theo yêu cầu của Tổng thống G. W. Bush. Nó cho thấy người ta hành động “cuống cuồng”, giữa lúc bọn đầu cơ lùi bước và không khí suy thoái đã phổ biến đều khắp.
 
Ngày 24-10, OPEC lại họp khẩn tại Vienna nhằm ngăn chặn giá dầu sụt giảm siêu tốc: giảm mỗi ngày 1,5 triệu thùng. Mục tiêu: kéo giá dầu lên, như đã từng làm vào các năm 1998, 2001 và 2006...
 
Thật ra giá bao nhiêu thì có thể chấp nhận được? Trong cuộc họp tại Vienna vào tháng 10-2008, Caracas và Tehran tích cực đề nghị cắt giảm thật mạnh để giá dầu lên đến mức tối thiểu 100 USD/thùng. Họ không muốn mất sức mạnh mới phát hiện của mình trên trường quốc tế. Chẳng hạn như Venezuela: năm 2006, Tổng thống Chavez quả quyết rằng các công ty đa quốc gia phải là của Chính phủ Venezuela, “với tỉ lệ ăn chia tối đa 40% và 60% còn lại là của nhà nước” bởi theo ông, “sự thay đổi cho phép chúng ta có thêm mỗi năm 2 tỉ USD. Trước đó số tiền này chạy về các nước giàu có, và họ đã cướp của chúng ta hàng trăm năm như thế”.
 
Nga không thuộc OPEC nhưng cũng đòi tăng giá dầu cực cao. Ngày nay Nga là nước sản xuất dầu đứng thứ nhì trên thế giới.
 
Tuy nhiên vào lúc này, thế giới đã bước vào khủng hoảng suy thoái, tiêu thụ dầu hỏa tại Mỹ, châu Âu sụt giảm. Từ đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) phải hạ thấp ước tính tăng trưởng hằng năm của vàng đen thế giới, bởi vì còn lệ thuộc vào nhu cầu. Didier Houssin, phụ trách thị trường dầu và các biện pháp khẩn cấp của IEA, cho biết: “Thay vì tăng mỗi ngày 1,5 triệu thùng, trong năm 2008 chỉ có thể tăng được 400.000 thùng/ngày, và năm 2009 ước tính chừng 700.000 thùng/ngày. Ngay cả con số này bây giờ cũng không còn chắc chắn nữa”.
 
Giá dầu đắt vừa cần thiết vừa nguy hiểm. Không ai muốn bán rẻ một nguồn tài nguyên hiếm hoi. Nỗi lo sợ khan hiếm không phải mới xảy ra mà đã có từ năm 1956! Sau khi nghiên cứu sản lượng dầu của 48 tiểu bang Mỹ, King Hubbert tiên đoán Hoa Kỳ sẽ lên đến đỉnh điểm sản xuất mà ông gọi là Peak Oil vào năm 1964 hay 1971, sau đó sẽ giảm xuống không gì cưỡng lại được. Năm 1971, sản lượng dầu của nước Mỹ đạt đến gần đỉnh điểm mà Hubbert tiên đoán. Từ đó giả thuyết của ông được mọi người bái phục trong ý nghĩa Hoa Kỳ là mô hình thế giới thu nhỏ. Đỉnh điểm sẽ diễn ra ở cấp hành tinh khi nào?
 
Có hai giả đoán: một đỉnh điểm và hai đỉnh điểm (nếu bất ngờ phát hiện một cánh đồng dầu khổng lồ khác hay kỹ thuật tiến bộ cung cấp điều mới lạ) rồi sau đó giảm nhanh sản lượng không gì cưỡng lại được. Nhưng ngày nay hiếm người tin vào lý thuyết này. Theo Pierre Terzian: “Một lý thuyết khác được nhiều chuyên gia tin hơn. Đó là nguồn tài nguyên còn rất lớn, có thể tìm thấy thêm mỏ dầu, nhưng có nguy cơ không đủ phương tiện để khai thác”. Nhưng chấn động mùa hè 2008 đã đi ngược lại cả hai tiên đoán này với một tình huống không ai ngờ tới: giảm tiêu thụ trước khi giảm sản xuất!
 
Yves Mathieu đưa ra ý tưởng mới: “Người ta sẽ không đến “đỉnh điểm” mà là một “mặt phẳng” sản lượng. Bởi vì các nước OPEC vốn đang nắm trong tay 70% trữ lượng đã được xác minh, cũng phải lo bảo vệ kho báu của mình”. Bằng cớ là từ năm 2004, sản lượng dầu thế giới chỉ tăng nhẹ, từ 84 triệu thùng/ngày năm 2006 lên 86,7 triệu thùng trong quý 3-2008. Và kho dự trữ... còn lâu mới cạn: ngày nào cũng tìm thấy mỏ mới! Pierre Terzian giải thích: giá dầu tăng đã tăng tốc các nỗ lực nghiên cứu và truy tìm các mỏ dầu mới, song cũng cùng lúc làm giảm tiêu thụ, khiến áp lực sản xuất yếu hơn vào đầu năm. Giá dầu cao cũng kích thích tìm các nguồn năng lượng thay thế khác.
 
(Tuổi trẻ)

ĐỌC THÊM