Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp khi xung đột thương mại Mỹ - Trung “nóng” trở lại

Thị trường dầu có tuần giảm nhẹ với giá dầu WTI giảm 0,5%, dầu Brent mất 0,3% do chịu ảnh hưởng từ nỗi lo về cuộc chiến thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh. 

Giá dầu mỏ biến động giằng co trong tuần qua khi tình hình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có tiến triển và giới giao dịch ngày càng quan ngại về triển vọng cung - cầu “vàng đen. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Giá dầu ghi nhận tuần giảm nhẹ do chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt trở lại.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 6/5, giá dầu thoát phiên giảm sâu do thị trường lo ngại nguồn cung có thể bị ảnh hưởng từ việc leo thang căng thẳng tại Trung Đông.

Giá “vàng đen” có thời điểm trong phiên giao dịch này đã chạm mức đáy 1 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lời đe dọa tăng thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung “nóng” lên có nguy cơ tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế thế giới, tác động tiêu cực đến triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.

Nỗi lo ngại về bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang đã đẩy giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày 7/5.

Tuy nhiên, sang phiên ngày 8/5, giá dầu phục hồi nhờ số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 3/5, nhiều hơn so với dự báo giảm 1,2 triệu thùng của các nhà phân tích.

Giá dầu đã leo dốc khoảng 34% kể từ đầu năm tới nay trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu được siết chặt hơn do lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên các nhà xuất khẩu dầu thô Iran và Venezuela, cũng như thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga.

Bất đồng thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt trở lại và việc chứng khoán thế giới giảm điểm mạnh cũng ảnh hưởng đến giá dầu trong các phiên giao dịch gần đây.

Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 9/5 do chịu sức ép từ căng thẳng gia tăng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Chốt phiên, giá dầu WTI của Mỹ sụt 0,04 USD/thùng, còn 61,66 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu WTI giảm khoảng 0,5%, sau khi giảm 3% trong tuần trước và giảm hơn 1% trong tuần trước đó.

Giá dầu Brent tăng 0,23 USD/thùng, đạt 70,62 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu Brent cũng giảm khoảng 0,3% trong tuần này. Giá dầu đã biến động giằng co trong tuần, khi tình hình đàm phán thương mại Mỹ - Trung bất ngờ chuyển xấu, đặt ra nguy cơ cuộc chiến thương mại kéo dài.

Tuần qua, giá dầu WTI giảm 0,5% và giá dầu Brent mất 0,3%.

Mỹ đã chính thức tăng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và chuẩn bị cho việc áp thuế thêm khoảng 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa. Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần thứ 11 ở Washington kết thúc hôm 9/5 song không mang lại thỏa thuận nào.

Nếu cuộc chiến thương mại gây ra sự giảm tốc kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ năng lượng có thể suy yếu theo. Mỹ và Trung Quốc chiếm 34% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu trong quý I/2019, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) được hãng tin CNBC trích dẫn.

Tuy nhiên, mối lo về nguồn cung thắt chặt đã giúp cho giá dầu tránh được một cú giảm sâu trong tuần này. Giới đầu tư dầu mỏ đang tập trung theo dõi những ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran và cuộc nội chiến ở Lybia - 2 yếu tố có thể đe dọa nguồn cung dầu.

"Thị trường đang tiếp tục cho thấy sự lo ngại về nguồn cung siết lại", ông Gene McGillian - Phó chủ tịch Tradition Energy nhận xét.

Các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran, vốn làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở khu vực Trung Đông và thúc đẩy giá dầu tăng cao.

Căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang khi quốc gia sản xuất dầu này tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết theo Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, tiến gần hơn đến việc phá vỡ thỏa thuận mang tính bước ngoặt.

Ngoài ra, tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, giá “vàng đen” vẫn được hỗ trợ tích cực bởi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC và đối tác gồm Nga. Thị trường hiện tin rằng OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau thời điểm tháng 6 tới.

Nhà giao dịch dầu mỏ Dan Flynn thuộc Price Futures Group nhận định: "Đang bước vào mùa lái xe cao điểm ở Mỹ, và hiện Ả Rập Saudi và Nga vẫn chưa muốn tăng sản lượng, mà lệnh trừng phạt Iran thì vẫn còn đó. Những yếu tố này sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho giá dầu đi lên".
 

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

ĐỌC THÊM