Sau khi ngấp nghé mốc 50 USD/thùng vào đầu tuần, giá dầu đã đảo chiều và xu hướng đi xuống trở thành chủ đạo trong phần lớn thời gian giao dịch tuần qua, để chỉ còn dao động quanh mức 40 USD/thùng, do dự trữ dầu thô của Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, tăng cao và tâm lý lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Trong phiên 5/1, chiến sự quyết liệt ở dải Gaza giữa Ixraen và Phong trào Hồi giáo Hamas, cộng với tranh cãi về giá nhập khẩu khí đốt giữa Nga và Ucraina đã đẩy giá dầu Brent biển Bắc lên 49,62 USD/thùng và sau đó là mức 50,53 USD/thùng trong phiên kế tiếp.
Tuy nhiên, đà tăng giá trên thị trường dầu mỏ đã bị chặn lại trong phiên giao dịch ngày 7/1 do dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 6,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào 2/1, cao hơn gấp 7 lần so với dự báo 900.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó đã làm giá dầu giảm tới 12%, mức giảm mạnh nhất trong 7 năm qua. Cụ thể là giá dầu thô ngọt nhẹ Niu Yoóc đã giảm 5,95 USD xuống còn 42,63 USD/thùng và giá dầu thô Brent biển Bắc giảm 4,67 USD xuống còn 45,86 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục đi xuống trên các thông tin ảm đạm của kinh tế Mỹ càng làm dấy lên nỗi lo kinh tế chìm sâu vào suy thoái làm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sụt giảm. Đó là 524.000 người Mỹ bị mất việc làm trong tháng 12/08 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất trong vòng 16 năm qua là 7,2%
Theo nhà phân tích Phil Flynn thuộc Alaron Trading, nhân tố duy nhất có thể đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn là các tin tức địa chính trị, do thị trường đã tràn ngập dầu thô.
Kết thúc phiên cuối tuần 9/1 giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc đứng ở mức 40,83 USD/thùng và giá dầu Brent biển Bắc dừng ở mức 44,42 USD/thùng.
(ViệtStock)