Giá “vàng đen” đi xuống trong ngày 15/10 trước sức ép từ dữ liệu kinh tế Trung Quốc gây thất vọng cùng với tâm lý thận trọng với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giới giao dịch dầu mỏ trong phiên này vẫn lo ngại về tính khả thi của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 vừa được Tổng thống Donald Trump công bố hôm 11/10.
Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên 15/10.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 30 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 59,067 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 53,38 USD/thùng, giảm 21 xu Mỹ, khoảng 0,4%.
Giá dầu chịu sức ép đi xuống trong phiên ngày 15/10 khi Trung Quốc cho biết đã yêu cầu nhiều cuộc đàm phán với Mỹ hơn trước khi ký kết “giai đoạn 1” của thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo cuối tuần trước.
Nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư bi quan là phía Trung Quốc không ngừng đề nghị đối thoại thêm với Mỹ trước khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường hàng hóa tại Schneider Electric, ông Robbie Fraser nhận xét: “Vào thời điểm cuối tuần trước, lạc quan về thương mại kéo giá dầu tăng. Tuy nhiên, những nỗi sợ về nhu cầu dầu vẫn tiếp tục tồn tại”.
Tờ Bloomberg hôm 14/10 đưa tin Bắc Kinh sẽ có các cuộc đối thoại với Washington trước khi ký thỏa thuận thương mại.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ hôm 15/10 lưu ý: “Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm mạnh hơn so với dự kiến do ảnh hưởng từ chính sách trả đũa thuế quan với Mỹ kéo dài và sự suy giảm nhu cầu của thương mại toàn cầu”.
Theo các nhà phân tích của ANZ, sự hoài nghi về khả năng sớm đạt một thỏa thuận toàn diện giữa Washington và Bắc Kinh, tiến tới chấm dứt cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng khiến nhà giao dịch đẩy mạnh bán dầu mỏ.
Mức xuất khẩu của Trung Quốc sụt mạnh trong tháng 9, cùng với nhập khẩu ghi nhận tháng giảm thứ 5 liên tiếp liên tiếp, thể hiện rõ sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đòi hỏi giới chức Bắc Kinh cần phải tăng thêm các gói kích thích kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang kéo dài.
Những số liệu kinh tế kém khả quan cùng với tâm lý hoài nghi về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã lấn át những yếu tố đẩy giá dầu đi lên trong những phiên gần đây do những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông leo thang. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết hai tàu chở dầu của nước này đã bị tấn công bởi 2 tên lửa, ngoài ra có cả đoạn băng video.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng suy yếu trong phiên này khi mà có nhiều điều chỉnh giảm với kỳ vọng nhu cầu dầu được đưa ra trong những tuần gần đây, trong đó phải kể đến Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Nguồn tin: kinhtedothi.vn