Giá dầu lao dốc do lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu lại xuất hiện khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến tại nhiều nước.
Thị trường năng lượng giao dịch ảm đạm trong phiên ngày 21/10 do chịu sức ép từ triển vọng phục hồi nhu cầu dầu mỏ có thể bị đình trệ khi nhiều nước phải tăng cường các biện pháp hạn chế để đối phó đợt tái bùng phát dịch Covid-19 thứ hai.
Giá dầu giảm về mức thấp nhất trong 1 tuần trong phiên 21/10.
Giá dầu quay đầu giảm mạnh khi đóng cửa phiên ngày thứ Tư (21/10), khiến giá dầu WTI và dầu Brent chạm mức đáy trong hơn 1 tuần.
Dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa giảm tuần thứ 2 liên tiếp, song thấp hơn dự báo của giới phân tích không làm giảm bớt áp lực từ những lo ngại về nhu cầu suy yếu.
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng đột biến dẫn đến khả năng đóng cửa kinh tế nhiều hơn, điều này có thể cản trở nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/10, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 1,67 USD (tương đương 4%) xuống 40,03 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 1,3 USD (tương đương 3,3%) còn 41,73 USD/thùng.
Cả dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 12/10, theo dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo tại Ngân hàng UBS, cho biết: “Thị trường đang phải vật lộn với vấn đề nhu cầu sau khi số ca mắc Covid-19 trên thế giới gia tăng liên tục".
Số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 40 triệu ca tính đến ngày 20/10, trong đó một số khu vực châu Âu đang tái áp đặt các biện pháp cách ly, giới nghiêm và phong tỏa cục bộ để ngăn chặn dịch bệnh này lan rộng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 21/10 cho biết dự trữ dầu thô nội địa giảm 1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/10, thấp hơn dự báo sụt 1,9 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 584.000 thùng từ Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Theo dữ liệu của EIA, dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing, Okla tăng 1 triệu thùng. Tổng sản lượng dầu tại Mỹ giảm 600.000 thùng xuống 9,9 triệu thùng trong bối cảnh ảnh hưởng của việc đóng cửa sản xuất ở Vịnh Mexico do bão Delta hồi đầu tháng này.
Bên cạnh đó, EIA còn cho biết nguồn cung xăng tăng 1,9 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 1,6 triệu thùng từ một cuộc thăm dò.
Về nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Nga hôm 20/10 nói rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về khả năng sẽ hạn chế sản lượng dầu toàn cầu sau tháng 12/2020, chưa đầy một tuần sau khi cho biết kế hoạch cắt giảm hạn chế sản lượng sẽ được tiến hành.
Tuy nhiên, giới đầu tư dầu mỏ có thể kỳ vọng vào lực đẩy đối với giá dầu trong thời gian tới, bao gồm triển vọng gói kích thích kinh tế bổ sung của Mỹ và cam kết ổn định thị trường năng lượng vừa được các bộ trưởng dầu mỏ đưa ra tại cuộc họp của ủy ban thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+.
Thỏa thuận hiện tại của OPEC+ yêu cầu cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12/2020, sau đó sẽ giảm xuống 5,8 triệu thùng/ngày bắt đầu vào tháng 1/2021.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn