Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu giảm nhẹ khi số liệu tồn kho dầu của Mỹ làm lu mờ lạc quan thương mại

Giá dầu đi xuống trong ngày 27/11 sau 2 phiên tăng liên tiếp sau khi báo cáo cho thấy lượng tồn kho dầu của Mỹ tăng cao hơn dự báo.

Giá dầu giảm nhẹ trong phiên này do chịu ảnh hưởng từ tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ cao hơn dự đoán của giới phân tích.

Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ công bố ngày 26/11 cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 22/11 đã tăng 3,6 triệu thùng, lên mức 449,6 triệu, trái ngược với kỳ vọng giảm 418.000 thùng của các nhà phân tích dầu mỏ.

Cụ thể, giá dầu Brent sụt 19 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống còn 64,08 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã tăng 1% trong phiên trước đó.


Giá dầu quay đầu đi xuống trong phiên 27/11.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 17 xu Mỹ, tương đương 0,29%, xuống 58,24 USD/thùng.

Phiên giảm giá của “vàng đen” trong ngày 27/11 đã đảo ngược đà tăng 2 phiên liên tiếp với dầu WTI đã tăng 1,1% và dầu Brent nhích 1,4% nhờ kỳ vọng rằng Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia sử dụng dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ ký một thỏa thuận sơ bộ tiến tới chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng qua.

Dữ liệu chính thức về sản lượng dầu của Mỹ sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố vào cuối ngày 27/11.

Tuy nhiên, thị trường năng lượng vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực trong những phiên tới từ sự lạc quan xung quanh việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.

Chiến lược gia Stephen Innes tại AxiTrader nhận xét: “Số liệu tồn kho dầu của Mỹ đã làm thất vọng những nhà giao dịch ở phiên này, song thị trường sẽ phục hồi trong những phiên tiếp theo”.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 26/11 cho biết, các nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ đã có cuộc điện đàm sáng cùng ngày, trong bối cảnh hai bên đang cố gắng hướng tới một thỏa thuận sơ bộ "giai đoạn một" để chấm dứt căng thẳng thương mại đã kéo dài nhiều tháng qua.

Theo Bộ trên, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin về một số vấn đề liên quan tới thỏa thuận thương mại sơ bộ.

Hai bên nhất trí duy trì liên lạc về các vấn đề tồn tại trong đàm phán giai đoạn 1. Hai bên cũng thảo luận "những vấn đề quan ngại cốt lõi" và đã đi đến thống nhất về việc giải quyết các vấn đề liên quan.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài 16 tháng với những tác động không nhỏ tới thị trường và nền kinh tế thế giới mà chưa có giải pháp tháo gỡ. Hai bên dự kiến hoàn tất thỏa thuận giai đoạn một trong tháng 11 này.

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã che mờ triển vọng về nhu cầu dầu trong tương lai, vì vậy dù một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chưa được hoàn tất, bất kỳ thông tin tích cực nào cũng có xu hướng hỗ trợ thị trường dầu mỏ.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch dầu mỏ đang kỳ vọng vào việc Tổ chức các nước xuất khẩu dẩu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là Nhóm OPEC+, sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung sau thời điểm tháng 3/2020.

Dự kiến, nhóm OPEC+ sẽ có cuộc họp chính sách điều hành dầu mỏ tại Vienna (Áo) từ ngày 5-6/12 và được dự báo sẽ tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến giữa năm sau.

Nhóm OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ ngày cho đến tháng 3/2020 để đẩy giá dầu đi lên.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

ĐỌC THÊM