Giá dầu đi xuống trong phiên 11/11 do giới đầu tư thận trọng đối với khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một trong năm nay.
Thị trường năng lượng chịu áp lực trong phiên giao dịch này trước những thông tin trái chiếu về tiến trình đàm phán thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới.
Giá dầu giảm mạnh trong phiên ngày 11/11.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 39 xu Mỹ, tương đương 0,6%, xuống mức 62,12 USD/thùng. Giá mặt dầu này đã tăng 1,3% trong tuần trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 35 xu Mỹ, tương đương 0,6%, xuống còn 56,89 USD/thùng, sau khi vừa chứng kiến đà leo dốc 1,9% trong tuần trước.
Các quan chức từ cả hai nước hôm 7/11 cho hay Trung Quốc và Mỹ đều đã thống nhất rút lại các đòn thuế áp đặt lên hàng hóa của nhau trong "giai đoạn Một" của thỏa thuận tiềm năng có thể giúp chấm dứt cuộc thương chiến kéo dài 16 tháng qua, nhưng ý tưởng trên đã vấp phải sự phản đối từ nhiều khu vực trong chính quyền Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/11 nói rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp, song Washigton sẽ chỉ ký một thỏa thuận với Bắc Kinh nếu các điều khoản cam kết phù hợp với Mỹ.
"Các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang tiến triển rất tốt và nếu chúng ta ký thỏa thuận mà chúng ta muốn, đó phải là một thỏa thuận tuyệt vời, nếu không, tôi sẽ không ký", Tổng thống Trump ngày 9/11 nói với phóng viên tại căn cứ quân sự Andrews trước khi lên máy bay tới Tuscaloosa, Alabama. "Tôi muốn có thỏa thuận nhưng đó phải là một thỏa thuận đúng đắn".
Ông chủ Nhà Trắng cũng lưu ý thêm hiện có những thông tin không chính xác về việc Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc mà theo ông đã mang lại hàng chục tỷ USD cho Mỹ và sẽ "sớm trở thành hàng trăm tỷ USD".
"Xuất hiện rất nhiều thông tin không chính xác nhưng các bạn sẽ thấy những gì tôi sẽ làm", ông Trump nói. "Việc dỡ bỏ thuế quan là không đúng".
Cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng qua giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm chậm lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến các nhà phân tích hạ dự báo về nhu cầu dầu mỏ, làm dấy lên mối lo ngại rằng tình trạng dư cung có thể tăng mạnh trong năm 2020.
“Bất kỳ thỏa thuận nào về việc đẩy lùi thuế quan, giảm căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho các tài sản rủi ro, bao gồm dầu mỏ” - nhà chiến lược Stephen Innes của AxiTrader nhận xét.
Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ cũng mất đà phục hồi trong phiên này sau khi dữ liệu cuối tuần qua cho thấy chỉ số sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm, do lĩnh vực sản xuất suy yếu, nhu cầu giảm và ảnh hưởng từ xung đột thương mại.
Về nguồn cung, các công ty sản xuất dầu mỏ Mỹ đã giảm số lượng giàn khoan, dầu hoạt động tuần thứ 3 liên tiếp. Số lượng giàn khoan dầu tính đến ngày 8/11 giảm về con số 684, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017, theo báo cáo của Baker Hughes.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn