Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu giảm hơn 2 USD trên thị trường châu Á

Trên sàn giao dịch điện tử Xingapo chiều 12/12, giá dầu thô, ngọt nhẹ Niu Yoóc giao tháng 1/09 giảm 2,21 USD xuống 45,77 USD/thùng. Trong khi vào lúc đóng cửa phiên 11/12 ở Niu Yoóc, giá dầu tại hợp đồng này đã tăng hơn 10% lên 47,98 USD/thùng, do thị trường dự đoán Nga sẽ bắt tay với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để cùng cắt giảm sản lượng.
 
Đầu phiên giao dịch ngày 12/12, giá dầu chỉ giảm khoảng 1 USD, nhưng sau đó đã trượt dốc mạnh hơn sau khi có tin Thượng viện Mỹ đã không đạt được một thỏa thuận về kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp ô tô nước này.
 
Giá dầu Brent Biển bắc giao tháng 1/09 cũng giảm 2,04 USD xuống 45,35 USD/thùng, sau khi tăng tới 11,77% trong phiên 11/12 ở Luân Đôn.
Mark Pervan, chuyên gia phân tích tại ngân hàng ANZ nhận định, các nhà giao dịch đang "án binh" chờ đợi phiên họp sắp tới của OPEC. Giới thị trường dự báo, tổ chức này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên. OPEC, hiện chiếm 40% sản lượng dầu thô của thế giới, trong năm nay đã cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày và đang kêu gọi các nước không phải thành viên của khối đưa ra các hành động tương tự. Giá dầu hiện đã rời xa mức kỷ lục trên 147 USD/thùng lập hồi tháng 7/08, trong bối cảnh nhu cầu năng liệu yếu do kinh tế toàn cầu đi xuống.
 
Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới này sẵn sàng hợp tác với OPEC để chặn lại đà trượt dốc của giá dầu. Theo ông Pervan, việc Nga cắt giảm sản lượng có thể hỗ trợ thị trường dầu mỏ nhưng "lịch sử cho thấy người Nga thường nói nhiều hơn làm".
 
Khả năng tác động đến giá dầu của OPEC phụ thuộc vào việc thị trường có tin tổ chức này có thực sự giảm sản lượng hay không. Một số quốc gia đã gian lận và không cắt giảm sản lượng để tăng thu nhập. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng OPEC không thể đạt được mục tiêu của mình, khi một số quốc gia, đặc biệt là Êquađo, Vênêxuêla, Libi và Iran chỉ giảm sản lượng ở mức rất hạn chế. Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ của thế giới năm 2008 giảm 0,2 triệu thùng/ngày, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1983. IEA đã điều chỉnh giảm nhu cầu dầu của thế giới trong năm nay xuống 85,8 triệu thùng/ngày (giảm 350.000 thùng/ngày). Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ tăng lên 86,3 triệu thùng/ngày năm 2009, trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới được Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo sẽ sáng sủa hơn.
(ViệtStock)

ĐỌC THÊM