Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu giảm đe dọa kế hoạch chi tiêu của Chính phủ Angôla

Phát biểu tại lễ khai mạc Ủy ban Vịnh Guinea, Tổng thống Angôla, ông Jose Eduardo dos Santos nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá dầu giảm, Angôla có thể không đủ khả năng để thực hiện thực hiện một phần trong chương trình trị giá 42 tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng của mình.

Angôla, đối thủ của Nigiêria trong cuộc cạnh tranh ngôi vị nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất khu vực cận Xahara châu Phi, đã quyết định nâng cấp hàng loạt hệ thống đường sắt, cầu cảng và các cơ sở hạ tầng khác vốn bị phá hủy trong cuộc nội chiến kéo dài 27 năm. Quốc gia này cũng đầu tư nhiều vào phát triển các lĩnh vực kinh tế phi dầu khí.

Các khoản chi tiêu trên chủ yếu lấy từ nguồn thu dầu mỏ và các khoản vay liên quan tới hoạt động sản xuất dầu. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại về khả năng kinh tế thế giới suy thoái đã đẩy giá dầu từ mức cao kỷ lục trên 147 USD/thùng hồi tháng 7/08 xuống chỉ còn 1/3 mức này.
 
Phát biểu với hãng tin Anh Reuters, Bộ trưởng Tài chính Angôla, Severim de Morais cho biết, Chính phủ Angôla có thể sẽ hạ dự báo về giá dầu trong kế hoạch ngân sách năm 2009, nếu giá dầu tiếp tục giảm. Angôla xây dựng kế hoạch ngân sách trên cơ sở giá dầu 55 USD/thùng. Theo Ngân hàng thế giới (WB), dầu mỏ chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của Angôla và đóng góp 58% cho GDP của nước này.

Kể từ năm 2002, sau khi chấm dứt nội chiến, Angôla là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. WB dự báo, tăng trưởng kinh tế Angôla ước đạt 15% năm 2008 và 11,8% năm 2009, với động lực là nông nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực phi dầu khí.

Tổng thống Santos đã đề nghị các quốc gia Vịnh Guinea phối hợp hành động để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phát sinh trong cuộc khủng hoảng. Vịnh Guinea là trung tâm dầu khí của khu vực cận sa mạc Xahara, chiếm 15% sản lượng dầu mỏ thế giới và là nơi thu hút các khoản đầu tư khổng lồ từ các công ty dầu mỏ lớn của phương Tây, cũng như của các tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc. Tình trạng bất ổn ngày càng tăng trong ngành dầu khí đã "dội một gáo nước lạnh" vào khu vực này và khiến ngân sách của các quốc gia bị "teo lại".

Ủy ban Vịnh Guinea gồm Angôla, Camơrun, Cộng hòa Côngô, Gabông, Ghinê Xích đạo, Nigiêria, Cộng hòa dân chủ Côngô, Xao Tômê và Prinxipê.
(Vinanet)

ĐỌC THÊM