Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu giảm - “Chuyện lớn” của các nước xuất khẩu dầu

Trong phiên giao dịch kết thúc tuần qua, giá dầu đã hạ xuống mức thấp kỷ lục, bất chấp những nỗ lực của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng đến 2,2 triệu thùng/ngày nhằm ngăn đà suy giảm của giá dầu. Các nước xuất khẩu dầu đang lo ngại giá dầu tiếp tục giảm sẽ gây nhiều vấn đề lớn cho sự ổn định chính trị, xã hội của mình.
 
“Vấn đề sống còn”

Thủ tướng Anh Gordon Brown (phải) tại Hội nghị Năng lượng London ngày 19-12: “Giá dầu biến động không đem lại lợi ích cho bất kỳ ai”

 
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1-2009 tại thị trường New York đã giảm xuống 33,44 USD/thùng, mức thấp nhất từ ngày 2-4-2004.
 
Trước tình hình này, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết, việc giữ giá dầu ở mức cao trở thành “một vấn đề sống còn” để tiếp tục phát triển. Nga cần giữ giá dầu ở mức 75 USD/thùng mới đủ nguồn tài trợ cho các chính sách hiện nay của Nga. Bị chi phối bởi việc thất thoát vốn, lạm phát và thất nghiệp gia tăng, việc giá dầu giảm sẽ đe dọa sự cân bằng của nước này.
 
Saudi Arabia cũng đồng ý với ý kiến của Nga và cho rằng giữ giá dầu ở mức 75USD/thùng là mức hợp lý để đảm bảo nguồn thu cho nhà sản xuất.
 
Khi giá dầu mỏ vượt ngưỡng 80 USD/thùng, các nước xuất khẩu dầu đã “phất” sau hơn 15 năm bán dầu với giá rẻ (1985-2000). Nhưng khi giá dầu rớt từ 147 USD/thùng (tháng 7) xuống dưới 40 USD/thùng, thậm chí có thể tiếp tục giảm vào năm 2009 nếu khủng hoảng kinh tế không có dấu hiệu cải thiện, thì giấc mơ về sự thịnh vượng cũng như những tham vọng của các nước xuất khẩu dầu đang tan dần. Những vấn đề lớn về chính trị, xã hội đang đè nặng lên các nước này bởi sự ổn định hiện nay phần lớn được bảo đảm nhờ vào các khoản lợi tức lớn do dầu mang lại.
 
Giá dầu còn giảm?
 
Hầu hết nhà kinh tế đều cho rằng, giá dầu mỏ trong năm 2009 chỉ ở mức 45-60 USD/ thùng. Tổ chức Tình báo kinh tế (EIU) còn điều chỉnh dự báo giá dầu năm 2009 theo hướng giảm mạnh, xuống mức 35 USD/thùng, do nhu cầu dầu thế giới vẫn tiếp tục suy yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
 
Nhu cầu dầu của Trung Quốc, vốn chiếm 9% nhu cầu dầu thế giới, giảm do kinh tế phát triển chậm lại. Mỹ và châu Âu cũng ở trong tình trạng tương tự. Trong quý 3-2008, nhu cầu dầu của Mỹ giảm 6% so cùng kỳ năm ngoái.
 
Tình hình có thể xấu hơn nữa khi nhu cầu dầu thế giới sẽ giảm khoảng 0,4% trong năm 2009. Nhu cầu dầu từ khối OECD, chiếm khoảng 55% mức tiêu thụ dầu toàn cầu, sẽ giảm khoảng 1,8%. Nhu cầu dầu của Trung Quốc năm 2009 chỉ tăng 2,5% so với 5% năm 2008. Các nhân tố khác làm giá dầu giảm là việc đồng USD mạnh lên và giới đầu tư không còn đầu cơ vào dầu và các loại nguyên liệu khác.
 
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, ngay cả khi giá dầu trung bình năm 2009 xuống thấp nhất so mức giá trong 6 năm gần đây cũng khó có thể thúc đẩy nền kinh tế thế giới sớm phục hồi trở lại do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay quá nghiêm trọng .

Kết quả thăm dò ý kiến 11 chuyên gia kinh tế hàng đầu được Reuters công bố ngày 21-12 cho biết, phần lớn nền kinh tế Vùng Vịnh sẽ có tốc độ phát triển trong năm 2009 chậm nhất kể từ năm 2001, do việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ và nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới giảm. Theo John Sfakianakis, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng SABB ở Riyadh, kết quả trên chứng tỏ khu vực này không tách rời tình hình chung của thế giới và cho thấy, Vùng Vịnh dựa vào lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ nhiều hơn người ta nghĩ và nhiều hơn cách họ thể hiện.
Dự báo năm 2009, Saudi Arabia có tăng trưởng GDP 2,4%, chưa bằng phân nửa mức 4,9% năm nay. UAE có tăng trưởng GDP 6,8% năm nay sẽ giảm còn 2,7% năm sau. Qatar có tăng trưởng GDP 9,5% năm sau, cao nhất khu vực nhưng vẫn thấp so với 12% của năm 2007 và 2008. Kuwait có tăng trưởng GDP giảm từ 5,5% năm nay còn 2,5% năm sau. Oman có tăng trưởng GDP 6,4% năm nay và chỉ còn 4,2% năm sau. Bahrain có tăng trưởng GDP 6% năm nay chỉ còn 3,5% năm sau.
V.H. (theo Arabian Business)

(Sài gòn giải phóng)

ĐỌC THÊM