Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu “đỏng đảnh” gây áp lực cho sự phục hồi kinh tế thế giới

Giá dầu thô ngày 30-7 đã “nhích” lên chút ít sau khi bất ngờ tụt giảm ở mức mạnh nhất trong 3 tháng qua trên sàn giao dịch hàng hóa Niu Y-oóc chiều 29-7. Các chuyên gia cảnh báo sự biến động thất thường của giá dầu trong 6 tháng đầu năm nay (từ 40 lên 70 USD/thùng và tụt giảm) gây áp lực đối với sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Trên sàn giao dịch châu Á và châu Âu, giá dầu thô giao tháng 9 tính đến 8 giờ tối 30-7 (giờ Việt Nam) là 64,44 USD/thùng. Trước đó, giá dầu giao tháng 9 đóng cửa phiên giao dịch ngày 29-7 trên sàn Hàng hoá Niu Y-oóc bất ngờ giảm 3,88 USD (-5,8%) xuống 63,35 USD/thùng-mức thấp nhất kể từ ngày 16-7. Đây là phiên giao dịch giảm mạnh nhất kể từ 20-4. Giá dầu mỏ giảm và đồng USD lên giá cũng đã khiến giá vàng, bạc và platin trong phiên giao dịch ngày 29-7 giảm.

Một phiên giao dịch dầu trên sàn giao dịch Niu Y-oóc ngày 29-7. Ảnh: AP

Giới phân tích thị trường cho rằng, sở dĩ giá dầu mỏ giảm mạnh là do đồng USD lên giá và dự trữ dầu thô ở Mỹ, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, tăng. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô ở nước này trong tuần tính đến ngày 24-7 đã tăng 5,1 triệu thùng, trái ngược hẳn so với dự đoán trước đó là giảm khoảng 1,2 triệu thùng. Dự trữ dầu thô ở Mỹ tăng đã gây lo ngại cho giới kinh doanh trên thị trường dầu mỏ về sự sụt giảm nhu cầu ở nước này trong bối cảnh tốc độ suy thoái kinh tế chưa có dấu hiệu chững lại. Trong 4 tuần qua, lượng tiêu thụ dầu mỏ ở Mỹ đã giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sáu tháng đầu năm nay, giá dầu thế giới biến động thất thường từ khoảng 40 USD/thùng hồi đầu năm bỗng "vọt" lên hơn 73 USD/thùng, và hiện “đỏng đảnh” ở mức 63-65 USD/thùng. Theo nhận định của các nhà phân tích, xu thế "không ổn định" của giá dầu thế giới trong nửa đầu năm nay đã gây áp lực nhất định đối với sự phục hồi kinh tế thế giới. Bốn tháng đầu năm nay, giá dầu thế giới dao động trong khoảng từ 40 đến 50 USD/thùng. Tuy nhiên, bước vào tháng 5, giá dầu tăng gần 30% - mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới tăng đột biến trong thời gian ngắn không phải do cung-cầu, mà do niềm tin của các nhà đầu tư đối với sự phục hồi của kinh tế thế giới được nâng lên.

Tuy nhiên, nhân tố quyết định giá cả tăng hay giảm còn bao gồm mặt bằng kinh tế cơ bản, trong đó có mối quan hệ cung-cầu. Báo cáo mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu thô thế giới phải mất 4 năm mới có thể phục hồi bằng mức của năm ngoái. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay là 83,8 triệu thùng/ngày, giảm 2,9% so với năm ngoái. Hơn nữa, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự đoán dè dặt đối với sự phục hồi kinh tế thế giới năm nay. Những số liệu kinh tế tiêu cực này cũng đã làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư. Các nhà phân tích chỉ rõ giá dầu tăng hay giảm đột biến đều bất lợi cho phát triển kinh tế. Trong khi nền kinh tế thế giới hồi phục chậm chạp, nếu giá dầu tiếp tục leo thang, chắc chắn sẽ tác động đến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Các nhà phân tích dự đoán, vài tháng tới, xét từ mặt bằng kinh tế cơ bản, mối quan hệ cung cầu về dầu mỏ sẽ không có biến động lớn. Giá dầu thế giới trong 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, nhưng mức tăng sẽ có phần chậm lại.

QĐND

ĐỌC THÊM