Năm 2020, thị trường dầu đã phải trải qua những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử. Vậy trong năm 2021, giá dầu sẽ diễn biến như thế nào?
Năm 2020, cuộc chiến giá dầu cùng đại dịch COVID-19 có lúc đã đẩy giá dầu xuống mức âm, tức là bên bán phải trả tiền để người ta lấy dầu đi.
Những lo lắng về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã gây sức ép lên giá dầu. Những quốc gia xuất khẩu dầu lo lắng không biết sau một năm đầy giông tố liệu 2020 có thể kết thúc trong hy vọng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 3 trong OPEC, lại tỏ ra không mấy bi quan.
Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, vaccine ngừa COVID-19 và khả năng cải thiện quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Biden, nhiều khả năng sẽ kích thích Mỹ đà hồi phục của giá dầu. Dù vậy, sự hồi phục này khó có thể diễn ra trong 1 - 2 quý tới.
Những lo lắng về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã gây sức ép lên giá dầu. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Rõ ràng COVID-19 đang đặt người ta vào một tình thế khó lường. Tuy nhiên, nếu không có một sự đột biến nào quá lớn, thì theo tính toán của tổ chức Rystad Energy, cầu sẽ bắt đầu có thể lớn hơn cung trên thị trường dầu kể từ tháng 5/2021. Đến tháng 8, mức chênh lệch cầu với cung có thể lên đến 3,4 triệu thùng.
Theo các trang báo, đồng USD yếu, khả năng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và các gói kích thích kinh tế của các quốc gia có thể sẽ trở thành những động lực chính cho đà hồi phục của giá dầu. Giá dầu Brent, phổ biến nhất hiện nay sẽ có thể ở mức 51 USD/thùng trong năm 2021.
Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3,7% trong năm 2021 sẽ kéo giá dầu đi lên. Tuy nhiên về dài hạn, sự phát triển của các nguồn năng lượng xanh sẽ khiến nhu cầu dầu giảm ít nhất 8,6% vào năm 2050. Thậm chí trong một kịch bản khác, nhu cầu dầu có thể giảm tới 50 - 80% vào năm 2050.
Về lâu dài, có thể không có nhiều lý do để kỳ vọng vào một tương lai sáng sủa của dầu mỏ, nhưng với các quốc gia xuất khẩu dầu tại Vùng Vịnh, một sự đi lên của giá dầu cho vài năm tới cũng là rất tốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn đang còn một ẩn số khó lường trên thị trường dầu, đó là Iran. Hiện nhiều đánh giá cho rằng Tổng thống Biden sẽ khó có thể dỡ bỏ các cấm vận đối với Iran trong một sớm một chiều, nhưng rất có thể ông Biden sẽ tạm thời tháo trước một số rào cản cho Iran xuất khẩu dầu, tạo động lực cho đàm phán.
Mới đây, Tổng thống Iran Rouhani đã đệ trình kế hoạch ngân sách lên quốc hội, trong đó đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu dầu được 2,3 triệu thùng/ngày vào năm tới. Người ta cho rằng đó có thể là tín hiệu Iran muốn phát đi cho phía Mỹ.
Nguồn tin: VTV