Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu đi xuống giữa lúc tương lai thỏa thuận Mỹ - Trung còn mờ mịt

Thị trường năng lượng chịu áp lực sụt giá trong phiên 13/11 do lo ngại về tình trạng không chắc chắn đối với thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Giá “vàng đen” tiếp tục giảm trong phiên này khi triển vọng đạt một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mờ dần, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu đối với mặt hàng năng lượng.


Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 13/11.

Tổng thống Mỹ ngày 13/11 cho biết hai nước đã gần hoàn tất một thỏa thuận thương mại, tuy nhiên ông không cung cấp thời gian cũng như địa điểm thực hiện việc ký kết, khiến các nhà đầu tư thất vọng.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 32 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 61,74 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 56,54 USD, cũng hạ 26 xu Mỹ, hay 0,5%.

Bên cạnh đó, dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng chậm lại sau năm 2025 cũng gây áp lực lên thị trường trong phiên giao dịch này.

Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trung bình 1 triệu thùng/ngày đến năm 2025, và được dự báo sẽ giảm xuống còn 100.000/ngày trong những năm tiếp theo, IEA cho biết trong báo cáo về triển vọng năng lượng thế giới đến năm 2040.

Cũng theo báo cáo của IEA, dù tốc độ tăng trưởng khai thác dầu đá phiến của Mỹ hiện đã chậm lại so với những năm trước, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới được dự báo vẫn sẽ chiếm 85% mức tăng sản lượng dầu toàn cầu đến năm 2030 và 30% lượng khí đốt thês giới.

IEA cho biết tỷ lệ sản xuất dầu toàn cầu của các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga dự báo sẽ giảm khoảng 47% trong vòng thập kỷ tới - mức lớn nhất kể từ những năm 1980.

Về nguồn cung tại Mỹ, mức tồn kho dầu thô của nước này được dự báo sẽ tăng tuần thứ 3 liên tiếp tính đến ngày 8/11, theo kết quả cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters công bố hôm 12/11.

Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đã hạ dự báo tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2020, sau khi sản lượng dầu mỏ của nước này đã tăng trong những năm gần đây.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết triển vọng xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã trở nên ảm đạm sau khi giá vận chuyển tăng vọt trong tháng trước, khiến lượng tồn kho dầu cao hơn so với cùng thời điểm năm ngoái và mức trung bình trong 5 năm.

Các thương nhân hiện đang chú ý vào cuộc họp chính sách của OPEC và Nga trong tháng 12 tới để xác định xem liệu nhóm này có quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn để hỗ trợ giá “vàng đen” hay không.

Giá dầu Brent đã tăng 16% kể từ đầu năm 2019 đến nay với sự hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là Nhóm OPEC+. Theo kế hoạch, OPEC+ sẽ nhóm họp trong hai ngày 5-6/12 tới để quyết định liệu có gia hạn thỏa thuận này hay không.

Theo các nhà phân tích của ANZ, việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể sẽ được OPEC+ nhất trí kéo dài sau thời điểm quý I/2020, nhưng việc cắt giảm sâu hơn có lẽ khó xảy ra.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

ĐỌC THÊM