Giá “vàng đen” tiếp tục tăng trong phiên ngày 18/11 khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Giá dầu kéo dài đà leo dốc trong phiên này sau khi vừa có tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh các nhà giao dịch đang chờ đợi manh mối mới về triển vọng ký kết một thỏa thuận thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới và thị trường năng lượng giảm bớt lo ngại về nguồn cung dầu gia tăng liên tục.
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên 18/11.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 11 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 63,41 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã leo dốc tăng 1,3% trong tuần trước.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cộng thêm 21 xu Mỹ, khoảng 0,4%, đạt mức 57,93 USD/thùng, sau khi tăng 0,8% trong tuần trước.
Nhà phân tích thị trường Margaret Yang tại CMC nhận xét: “Đầu phiên ngày 18/11, giá dầu gần như đi ngang so với mức giá đóng cửa hôm 15/11, tuy nhiên sau đó giá dầu đã tăng nhẹ nhờ kỳ vọng vào đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh”.
Theo ông Yang, trong ngắn hạn, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dàu mỏ (OPEC) vào đầu tháng 12 tới là hai sự kiện lớn nhất mà giới đầu tư đang đón đợi.
Cuộc chiến thương mại suốt 16 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới và khiến giới phân tích hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu, từ đó làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng dư cung có thể gia tăng trong năm 2020.
Hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc) cho hay Trung Quốc và Mỹ đã có "các cuộc đàm phán mang tính xây dựng" về thương mại thông qua cuộc điện đàm cấp cao mới đây, song hầu như không có thêm chi tiết nào về cuộc đàm phán này được đưa ra trong báo cáo được công bố sau đó.
Trong một động thái mới nhất chứng tỏ các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẵn sàng hành động để thúc đẩy tăng trưởng đang giảm tốc, Ngân hàng trung ương của nước này (PBoC) hôm 18/11 bất ngờ hạ một loạt lãi suất cho vay được thị trường theo dõi sát sao. Đây là lần đầu tiên PBoC có một động thái như vậy trong hơn 4 năm gần đây.
Về nguồn cung “vàng đen”, OPEC hồi giữa tuần trước dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm xuống trong năm 2020. Điều này càng củng cố một quan điểm trên thị trường rằng OPEC và các nước sản xuất dầu khác, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+ có khả năng sẽ duy trì mức giới hạn sản lượng đã được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng dư cung.
Nhóm OPEC+ dự kiến sẽ thảo luận chính sách sản lượng tại cuộc họp sẽ diễn ra vào hai ngày 5-6/12 tới tại Vienna (Áo).
Trong khi đó, các công ty sản xuất dầu mỏ của Mỹ trong tuần trước đã giảm số lượng giàn khoan dầu hoạt động tuần thứ tư liên tiếp. Theo báo cáo của Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ tính đến ngày 15/11 đã giảm 10 giàn khoan dầu, xuống còn 674, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn