Phiên giao dịch đầu tuần ngày 7/12, giá dầu tại thị trường châu Á quay đầu giảm từ mức cao nhất trong nhiều tháng qua.
Trong ảnh: Một cơ sở khai thác dầu ở al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN
Phiên giao dịch đầu tuần ngày 7/12, giá dầu tại thị trường châu Á quay đầu giảm từ mức cao nhất trong nhiều tháng qua, giữa bối cảnh số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng, buộc hàng loạt quốc gia tái áp đặt các lệnh phong tỏa xã hội.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Bắc giao kỳ hạn giảm 21 xu Mỹ (0,4%), xuống 49,04 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn cũng hạ 25 xu Mỹ (0,5%), xuống 46,01 USD/thùng. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều ghi nhận tuần tăng giá thứ năm liên tiếp vào tuần trước.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết đà tăng ban đầu của giá dầu nhờ sự ra mắt của các dòng vắc-xin ngừa cOVID-19 đã bị chặn lại sau khi Los Angeles của Mỹ ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục và Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo liên quan tới đại dịch này. Theo ông Moya, các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu dường như sẵn sàng giữ giá dầu thô tăng cao trong ngắn hạn.
Quy định tại bang California (Mỹ) yêu cầu các quán bar, tiệm làm tóc và làm móng và tiệm xăm phải đóng cửa trở lại. Trong khi đó, vùng Bavaria, miền Nam nước Đức ngày 6/12 thông báo sẽ áp đặt một phong tỏa cứng rắn hơn từ ngày 9/12 đến ngày 5/1/2021. Chính quyền Hàn Quốc cũng tăng cường các quy định về giãn cách xã hội đối với thủ đô Seoul và các khu vực lân cận, kéo dài đến ít nhất là cuối tháng 12 này.
Bên cạnh đó, việc các công ty năng lượng của Mỹ hồi tuần trước đã bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí tự nhiên lần thứ 11 trong 12 tuần qua, càng tạo sức ép giảm lên giá dầu, do các nhà sản xuất đẩy mạnh sản lượng trở lại ngay cả khi hầu hết trong số họ phải cắt giảm chi tiêu trong năm nay và năm sau.
Trong khi đó, Iran đã chỉ thị cho Bộ Dầu mỏ nước này chuẩn bị các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu thô hết công suất trong vòng ba tháng.
Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng phục hồi nhanh tại Trung Quốc và sự phát triển của các loại vắc-xin ngừa COVID-19 đã hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên này.
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2018, nhờ nhu cầu trên toàn cầu tăng mạnh và sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt xa các đối tác thương mại lớn của nước này./.
Nguồn tin: Bnews