Một số nhà phân tích tin rằng, giá dầu thô tương lai sẽ tiếp tục tăng thêm và có thể hướng tới mốc 100 USD/thùng, sau khi giao dịch trong phạm vi vài USD ở mức 80 USD/thùng từ đầu năm đến nay.
Giá dầu tăng khi lo lắng suy thoái giảm và nguồn cung thắt chặt
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng, khi triển vọng kinh tế được cải thiện và việc cắt giảm nguồn cung từ một số nhà sản xuất lớn nhất thế giới bắt đầu ảnh hưởng.
Các bể chứa dầu thô tại trung tâm dầu Cushing ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Reuters
Một động thái tăng giá khác sẽ nhanh chóng dẫn đến giá xăng cao hơn cho người lái xe, đồng thời khiến cuộc sống của các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác, những người đang cố gắng đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu của họ, trở nên khó khăn hơn.
Giá dầu đã tăng hơn 1% vào ngày 2/8, giao dịch gần mức cao nhất kể từ tháng 4/2023, sau khi dữ liệu ngành cho thấy mức giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến vào tuần trước trong kho dự trữ dầu thô ở Mỹ, nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Hợp đồng tương lai dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 tăng 92 cent, tương đương 1,1%, lên 85,83 USD/thùng lúc 00:01 GMT, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 84 cent, tương đương 1,03%, lên 82,21 USD/thùng.
Hợp đồng tương lai được giao dịch tích cực nhất đối với dầu Brent, thước đo toàn cầu của dầu thô, đã tăng 13% trong tháng 7, mức tăng hàng tháng lớn nhất trong 1,5 năm trở lại đây. Giá dầu Brent hiện được giao dịch khoảng 85,50 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch ngày 2/8.
Tại Mỹ, giá dầu WTI đã tăng gần 16% vào tháng trước, trong khi cả hợp đồng tương lai xăng và giá tại máy bơm dầu cũng đã tăng.
Những thay đổi trong cả cung và cầu đang thúc đẩy sự tăng trưởng. Về phía nguồn cung, hàng tồn kho giảm phản ánh việc cắt giảm sản lượng gần đây từ Ả Rập Xê Út và Nga - trái ngược với đầu năm nay, khi các thương nhân và nhà phân tích nghi ngờ Nga đã không thực hiện cam kết trước đó về việc bơm ít dầu hơn.
Saad Rahim - Kinh tế trưởng tại Trafigura, một nhà kinh doanh hàng hóa có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) cho biết: "Thị trường đang thực sự bắt đầu phản ứng với việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út".
Đồng thời, một loạt các chỉ số kinh tế đang báo hiệu rằng, những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ và Khu vực đồng Euro có thể đã bị thổi phồng quá mức, thúc đẩy kỳ vọng về mức tiêu thụ năng lượng.
Dầu tăng giá là một thách thức với các ngân hàng trung ương
Tuần này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã điều chỉnh số liệu nhu cầu dầu trong tháng 5 lên mức cao kỷ lục trong tháng đó. Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã dự đoán mức kỷ lục cho tháng 7, nói rằng hoạt động kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ và Ấn Độ bù đắp cho sự tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc.
Theo Standard Chartered, nhu cầu dầu sẽ vượt xa nguồn cung 2,8 triệu thùng mỗi ngày trong tháng này, làm tăng thêm giá dầu. Ngân hàng này cũng cho rằng, thâm hụt hàng ngày có khả năng lên tới 2 triệu thùng cho đến cuối năm, trừ sự gián đoạn theo mùa vào tháng 10 do bảo trì nhà máy lọc dầu.
Các nhà phân tích tại Socíeté Générale cho biết, dầu thô Brent có khả năng đạt 100 USD/thùng vào năm tới, trong khi các đối tác của họ tại Standard Chartered có dự báo ở mức 98 USD.
Còn theo các nhà đầu tư và nhà phân tích, các yếu tố kỹ thuật cũng đang góp phần thúc đẩy đà tăng. Cho đến gần đây, hợp đồng tương lai dầu thô cho thấy vị thế bán ròng sâu nhất kể từ năm 2016, có nghĩa là nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng để hưởng lợi từ giá dầu rẻ hơn. Tuy nhiên, thị trường đã bắt đầu tái cân bằng, với một số quỹ phòng hộ ngừng đặt cược vào giá thấp hơn, và những người khác đặt cược rằng giá sẽ tiếp tục tăng.
Áp lực tăng giá dầu hơn nữa không được các ngân hàng trung ương hoan nghênh. Năng lượng là một thành phần chính trong lạm phát tiêu đề và là đầu vào chính cho nhiều hàng hóa và dịch vụ, có nghĩa là giá cao hơn có thể dẫn đến lạm phát cơ bản. Tất cả các loại chi phí năng lượng, bao gồm nhiên liệu động cơ, điện và khí đốt, chiếm gần 7% chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ.
Richard Bronze - người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại công ty tư vấn Energy Aspects cho biết: "Giá dầu có thể sẽ làm chậm xu hướng giảm lạm phát mà chúng ta đã thấy. Đây sẽ là một thách thức đối với các ngân hàng trung ương".
Đối với các nhà hoạch định chính sách, "điều này có nghĩa là họ chờ đợi lâu hơn để cắt giảm lãi suất, nếu dầu tăng và lạm phát tăng trở lại" - Lorenzo Di Mattia, Giám đốc đầu tư của Sibilla Capital, một quỹ phòng hộ vĩ mô cho biết.
Các nhà phân tích không lạc quan về triển vọng giá dầu. Một cuộc khảo sát gần đây của Dow Jones với 15 ngân hàng cho thấy, ước tính trung bình của dầu Brent ở mức 87,14 USD/thùng vào giữa năm 2024, không vượt xa giá hiện tại.
Một biến số nữa là Trung Quốc. Dữ liệu gần đây cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện đang phục hồi chậm hơn dự kiến sau các đợt phong tỏa do Covid-19. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu đã phục hồi mạnh mẽ, tăng 45% trong tháng 6 so với một năm trước đó, lên 12,7 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc. Một số nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu dầu thô có đang được tiêu thụ hay lưu trữ hay không và nhu cầu tăng đột biến có thể kéo dài bao lâu?
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh
Dự trữ dầu của Mỹ đã giảm 15,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28/7, theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, so với ước tính của các nhà phân tích là giảm 1,37 triệu thùng, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ theo các hồ sơ có từ năm 1982.
Dự trữ dầu cũng bắt đầu giảm ở một số khu vực khác do nhu cầu vượt quá nguồn cung, vốn bị hạn chế bởi việc cắt giảm sản lượng sâu từ Ả Rập Xê Út, quốc gia đứng đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã hỗ trợ giá tăng.
Các nhà phân tích kỳ vọng Ả Rập Xê Út sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) thêm 1 tháng, bao gồm tháng 9, trong cuộc họp vào thứ Sáu tuần này.
Một cuộc khảo sát hôm đầu tuần cho thấy, sản lượng dầu của OPEC đã giảm trong tháng 7 do Ả Rập Xê Út tự nguyện cắt giảm cũng như việc ngừng cung cấp đã hạn chế nguồn cung của Nigeria.
Về phía cầu, tồn kho xăng giảm khoảng 1,7 triệu thùng, theo dữ liệu của API, so với ước tính giảm 1,3 triệu thùng. Dự trữ sản phẩm chưng cất giảm khoảng 510.000 thùng, so với ước tính của các nhà phân tích là tăng 112.000 thùng.
Với việc giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng do cắt giảm sản lượng, chính quyền Mỹ của Tổng thống Biden đã rút lại lời đề nghị mua 6 triệu thùng dầu cho Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ, theo một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết ngày 1/8.
Nguồn tin: Thời báo tài chính