Nhóm các chuyên gia phân tích thị trường tại hãng tin RBC cho biết, giá dầu sẽ không tăng lên mức trước khủng hoảng cho đến năm 2025.
Số phận thị trường dầu mỏ sẽ phụ thuộc phần lớn vào những diễn biến tiếp theo đối với thỏa thuận OPEC+ và chính sách của Mỹ. Trong trường hợp không có thỏa thuận OPEC+ mới về cắt giảm sản xuất dầu thô hoặc mở rộng danh sách các nước tham gia cắt giảm sản lượng, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chiến giá dầu mới và sự sụp đổ giá dầu tiếp theo. Sau khi thỏa thuận OPEC+ kết thúc, thị trường có thể đi theo những kịch bản sau:
Kịch bản "Cạnh tranh tự do".Các quốc gia sản xuất dầu mỏ sẽ không thể đi đến một thỏa thuận mới và giá nhiên liệu sẽ vận hành theo cơ chế thị trường. Thị trường sẽ tự động đào thải các nhà sản xuất dầu có chi phí cao (Canada và dầu đá phiến của Mỹ). Giá dầu sẽ giao động trong khoảng từ 30-40 USD/thùng. Doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga có thể sẽ giảm 44 - 50% so với năm 2019, xuống còn 94 - 125 tỷ USD. Theo RBC, đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Kịch bản "Gia hạn thỏa thuận OPEC+". Theo kịch bản này, các quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ quyết định gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ cắt giảm sản lượng. Nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng, tuy nhiên điều đó chỉ thỏa mãn lợi ích cho các nước không tham gia thỏa thuận. Kết quả là suy giảm thị phần của OPEC+ trên thị trường dầu toàn cầu. Xuất khẩu dầu mỏ trung bình năm của Nga sẽ giảm khoảng 25% so với năm 2019, xuống còn 135 - 145 tỷ USD. Giá dầu sẽ giao động trong khoảng 45 - 50 USD/thùng.
Kịch bản "Thỏa thuận toàn cầu". Theo đó, sẽ có thêm các nhà sản xuất dầu mỏ khác tham gia thỏa thuận OPEC+, có thể bao gồm Mỹ, Canada và các nhà sản xuất dầu khác chưa tham gia thỏa thuận. Khả năng xảy ra kịch bản này tương đối thấp vì theo luật pháp Mỹ, chính phủ nước này không có quyền yêu cầu các công ty dầu khí cắt giảm sản lượng bắt buộc. Tuy nhiên, không ngoại trừ khả năng sáp nhập tài sản của các công ty dầu mỏ Mỹ, nhất là các công ty đá phiến, có tính đến sự chuyển giao quyền kiểm soát cho chính phủ liên bang. Lúc đó, khả năng hạn chế sản lượng sản xuất dầu tại Mỹ có thể sẽ tăng lên.
Kịch bản này có lợi nhất đối với Nga. Doanh thu xuất khẩu dầu mỏ theo kịch bản này có thể đạt 160 - 170 tỷ USD (bằng 85 - 90% doanh thu của năm 2019). Giá dầu sẽ giao động trong khoảng từ 50 - 55 USD/thùng.
Kịch bản "Hai thị trường". Theo kịch bản này, Mỹ hoàn toàn từ chối tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng và bắt đầu hỗ trợ và bảo hộ các nhà sản xuất dầu mỏ trong nước khỏi giá dầu thấp trên thị trường. Điều này cho phép các công ty Mỹ mở rộng hoạt động nội địa. Giá dầu trung bình sẽ ở mức 25 - 30 USD/thùng, tuy nhiên tại Mỹ sẽ là từ 50 - 55 USD/thùng. Kịch bản này bất lợi cho Nga nhất. Doanh thu xuất khẩu dầu mỏ có thể sụt giảm 50 - 60% so với mức của năm 2019, xuống còn 75 - 94 tỷ USD.
Theo nhóm phân tích thị trường của RBC, giá dầu trong nửa cuối năm 2020 có thể sẽ tăng trở lại. Điều này xuất phát từ việc giá dầu giảm sâu khiến hoạt động đầu tư trong ngành công nghiệp dầu khí sụt giảm mạnh gây hậu quả là hoạt động khai thác ở nhiều nước suy giảm.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak vào cuối tháng 4/2020 cho biết, không thể xảy ra khả năng giá dầu tăng trở lại mức trước khủng hoảng trong thời gian ngắn. Bộ trưởng Novak nhấn mạnh, hiệu quả của thỏa thuận OPEC+ mới tới đâu sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng. Thị trường bày tỏ sự lạc quan khi Trung Quốc từng bước gia tăng các hoạt động kinh tế và kỳ vọng sau một vài tháng nữa sẽ có nhiều tín hiệu tức cực hơn từ nền kinh tế toàn cầu.
Nguồn tin: petrotimes.vn