Giá dầu giảm ngày thứ tư liên tiếp và hướng tới chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3 trước mối đe dọa nhu cầu dầu từ biến thể delta.
Giá dầu Brent tiếp tục giảm 0,5% trong hôm 17/8 sau khi khi giảm khoảng 3% trong 3 phiên trước đó. Theo một cuộc khảo sát của Descartes Labs, tiêu thụ xăng của Mỹ đã giảm trong tuần thứ ba liên tiếp trong khi dữ liệu chính thức từ Trung Quốc hôm thứ Hai (16/8) cho thấy sự sụt giảm nhu cầu dầu trong tháng 7.
Diễn biến giá dầu WTI
Sau đợt tăng giá mạnh trong nửa đầu năm, giá dầu thô đã giằng co mạnh trong tháng 7 và tháng 8. Biến thể delta đã thúc đẩy biện pháp hạn chế mới đối với việc di chuyển ở nhiều quốc gia bao gồm cả Trung Quốc và tác động tiêu cực tới việc tiêu thụ năng lượng.
John Driscoll, chiến lược gia trưởng tại JTD Energy Services Pte cho biết: “Những đợt điều chỉnh định kỳ này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và xu hướng dài hạn là giá dầu vẫn sẽ cao hơn. Các tín hiệu chỉ ra một sự phục hồi. Nhu cầu dầu có thể sẽ tăng trở lại trừ khi các biến thể virus mới này dẫn đến việc phong toả hàng loạt”.
Trong khi nhu cầu bị thách thức, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vẫn tiếp tục thực hiện nới lỏng các hạn chế cắt giảm sản lượng được áp dụng trong giai đoạn đầu của đại dịch. Nguồn cung dầu hàng ngày sẽ tăng 400.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 8.
Cuộc họp thường kỳ tiếp theo của OPEC+ được ấn định vào ngày 1/9 và vào đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi OPEC tăng thêm thêm sản lượng dầu để góp phần làm hạ giá xăng dầu.
Theo Goldman Sachs, sự sụt giảm mạnh của giá của dầu thô trong thời gian gần đây phản ánh những lo ngại về tác động của biến thể delta đối với nhu cầu dầu. Tuy nhiên, thách thức đó sẽ chỉ là tạm thời Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ đạt 80 USD/thùng trong quý IV tới trong bối cảnh nguồn cung thâm hụt.
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán