Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu chưa đủ sức vượt mức 40 USD/thùng

Tuần qua giá dầu liên tục giảm và chỉ dao động dưới mức 40 USD/thùng, do tình hình kinh tế thế giới ngày càng có thêm nhiều tín hiệu u ám đã làm gia tăng nỗi lo nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ giảm sút cho dù đang là mùa đông, thời điểm tiêu thụ năng lượng thường lên mức đỉnh điểm trong năm.
 
Ngay từ phiên đầu tuần 22/12 giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc giao tháng 2/09 giảm 2,45 USD còn 39,91 USD/thùng, kéo theo giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn hạ 2,55 USD/thùng xuống 41,45 USD/thùng. Theo các nhà phân tích, nhân tố chính kéo giá dầu đi xuống là sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu tác động đến toàn bộ thị trường năng lượng. Động thái cắt giảm sản lượng tới 2,2 triệu thùng/ngày mới đây của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không đủ sức chặn lại đà tuột dốc của giá dầu vì nó sẽ chỉ được thực hiện từ tháng 1/09. Còn hiện tại OPEC đang giảm hạn ngạch sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày theo quyết định hồi tháng 11/08.
 
Giá dầu vẫn cứ rơi tự do và sang ngày 24/12, giá dầu đã giảm 9% xuống mức thấp mới trong 4 năm qua do các số liệu kinh tế ảm đạm vừa công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chìm sâu hơn vào suy thoái. Với 9 phiên liên tục giảm giá, tới ngày 24/12 giá dầu thô ngọt nhẹ Niu Yoóc chỉ còn được giao dịch ở mức 35,35 USD/ thùng và giá dầu Brent biển Bắc là 36,61 USD/thùng.
 
Sau ngày nghỉ lễ Giáng sinh giá dầu đã tăng trở lại lần đầu tiên vào phiên cuối tuần 26/12 và chấm dứt đợt giảm giá kéo dài 9 phiên liên tiếp do có tin Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) sẽ giảm mạnh sản lượng theo quyết định cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước tới nay mà OPEC đưa ra hôm 17/12.
 
Theo ông Olivier Jakov thuộc Petromatrix, tin tức chính hỗ trợ thị trường dầu mỏ là từ UAE. Abu Dhabi National Oil Co, nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt của UAE, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới, thông báo sẽ cắt giảm nguồn cung trong tháng 2/09 của mỏ Murban, Upper Zakum, mỗi mỏ khoảng 15%, và mỏ Lower Zakum, Umm Shaif, mỗi mỏ khoảng 10%.
 
Một nhân tố khác đẩy giá dầu lên là đồng USD suy yếu so với đồng euro trong bối cảnh nỗ lo kinh tế Mỹ chìm sâu vào suy thoái ngày càng lớn.
 
Giới phân tích nhận định sự u ám của kinh tế Mỹ có thể sẽ còn tiếp tục gây sức ép lên giá dầu trong ngắn hạn. Còn các nền kinh tế châu Á, một thời được coi là người bảo đảm nhu cầu dầu mỏ thậm chí cả khi kinh tế Mỹ suy giảm, lại không tránh khỏi suy thoái. Dự báo suy thoái kinh tế sâu hơn sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ở Nhật Bản, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ, và Trung Quốc, khoảng 5% trong tài khoá tới bắt đầu từ tháng 4/09. Theo Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, tiêu thụ dầu mỏ sẽ giảm khoảng 5,7% trong tài khoá kết thúc vào tháng 3/09.
 
Kết thúc cuối tuần ngày 26/12, giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc đứng ở mức 37,71 USD/thùng, tăng 2,36 USD và giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,76 USD lên 38,37 USD/thùng.
(ViệtStock)

ĐỌC THÊM