Giá dầu châu Á tăng trong phiên 13/10, lấy lại một phần động lực sau khi giảm gần 3% trong phiên trước đó, nhờ số liệu về lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc mặc dù quan ngại về nguồn cung dầu từ Na Uy, khu vực vịnh Mexico thuộc Mỹ và Libya được nối lại vẫn gây sức ép lên thị trường.
Nhân viên bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 12 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 39,55 USD/thùng vào lúc 14 giờ 39 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu Brent tăng 12 xu Mỹ, hay 0,29%, lên 41,84 USD/thùng.
Số liệu do cơ quan hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/10 cho thấy, Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đã nhập khẩu 11,8 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2020, tăng 5,5% so với mức 11,18 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2020 và tăng 17,5% so với con số 10,04 triệu thùng/ngày của tháng 9/2019.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn chịu sức ép, do những lo ngại khi các nguồn cung được nối lại, trong khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại khu vực Trung Tây của Mỹ và châu Âu tăng mạnh khiến triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu không chắc chắn, đặt ra thách thức cho Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+.
Các công nhân đã quay lại làm việc tại các giàn khoan dầu trên vịnh Mexico thuộc Mỹ sau bão Delta và công nhân tại các giàn khoan ngoài khơi của Na Uy đã làm việc trở lại sau cuộc đình công, còn nước sản xuất thành viên của OPEC là Libya ngày 11/10 đã dỡ bỏ phong tỏa tại mỏ dầu Sharara. Sản lượng dầu của Libya trong ngày 12/10 là 355.000 thùng.. Khi hoạt động khai thác tại mỏ dầu Sharara với sản lượng 300.000 thùng/ngày hoạt động bình thường trở lại bình thường thì sản lượng "vàng đen" của Libya sẽ tăng gần gấp đôi.
Các nhà phân tích tại ING cho rằng OPEC+, hay ít nhất là Saudi Arabia, có thể cân nhắc kế hoạch nới lỏng mức cắt giảm sản lượng từ 7,7 triệu thùng/ngày xuống 5,8 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021.
Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu có vắc-xin và các biện pháp điều trị COVID-19, kinh tế toàn cầu có thể "bứt lên" vào năm 2021 và nhu cầu năng lượng phục hồi vào năm 2023. Tuy nhiên, với kịch bản phục hồi chậm, các mốc thời gian này sẽ bị lùi lại hai năm.
Một yếu tố khác gây thêm lo ngại về nhu cầu dầu mỏ là các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch đã được siết chặt tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Czech (Séc) và Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết có thể không loại trừ việc áp dụng các biện pháp tương tự tại Pháp.
Nguồn tin: baotintuc.vn