Giá dầu châu Á tăng hơn 4% trong phiên giao dịch 2/3.
Giới đầu tư đang hy vọng khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn và các ngân ngân hàng trung ương sẽ đưa ra những biện pháp kích thích đã phần nào xoa dịu lo ngại về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Giá dầu châu Á tăng hơn 4% trong phiên đầu tuần. Ảnh: AP/TTXVN
Vào lúc 15 giờ 12 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 4,5% lên 51,91 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Mỹ (WTI) giao kỳ hạn phiên này có lúc giảm xuống mức thấp trong 14 tháng qua là 43,32 USD/thùng trước khi vọt lên 46,65 USD/thùng, tăng 4,2%. Đây là lần đầu tiên giá cả hai loại dầu này tăng sau sáu phiên giảm giá, do giới đầu tư lo ngại về dịch COVID-19. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức và làm chao đảo các thị trường toàn cầu.
Jeffery Currie, người phụ trách mảng nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, cho biết sự gián đoạn chưa từng có tiền lệ trong hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đã khiến nhu cầu đối với dầu giảm khoảng 4 triệu thùng/ngày, so với mức giảm 5 triệu thùng/ngày trong suốt Cuộc Đại Suy thoái năm 2008/2009. Chuyên gia này dự báo tình hình này kéo dài sẽ gây bất ổn cho giá dầu.
Một số thành viên chủ chốt của OPEC đang cân nhắc khả năng cắt giảm sản lượng sâu hơn trong quý II/2020, giữa bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại dịch COVID-19 sẽ làm giảm nhu cầu đối với dầu. Các nước thành viên OPEC trước đó đưa ra đề xuất cắt giảm sản lượng thêm 600.000 thùng dầu/ngày.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu giảm hơn 20% bất chấp việc OPEC và các nước đồng minh, bao gồm cả Nga, tiến hành cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày theo một thỏa thuận có hiệu lực đến hết tháng 3/2020./.
Nguồn tin: bnews.vn